1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đã rút vốn và giải thể 38 đơn vị thuộc Vinashin

(Dân trí) - “Đến tháng 10/2011, rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị, giải thể 16 đơn vị, chuyển nhượng phần vốn của Tập đoàn tại 11 đơn vị. Năm nay, tập đoàn sẽ bàn giao 74 tàu, trị giá 584 triệu USD” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về kết quả tái cơ cấu Vinashin.

Đã rút vốn và giải thể 38 đơn vị thuộc Vinashin - 1
Tái cơ cấu Vinashin đã đạt kết quả bước đầu.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc Vinashin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau khi có kết luận thanh tra tập đoàn của Thanh tra Chính phủ, ông đã chỉ đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra.

Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 09 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 02 bị can. Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.

Việc tái cơ cấu Vinashin, Thủ tướng khẳng định đang triển khai thực hiện theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn và đạt được những kết quả bước đầu.

Đã thực hiện việc chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính.

Đến tháng 10/2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 05 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 1 đơn vị của Vinashin.

Kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định. Năm 2011, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng Vinashin sẽ hoàn thành, hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.

Để cơ cấu lại tài chính, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn triển khai phương án cơ cấu lại nợ của Tập đoàn, cả nợ trong nước và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc tái cơ cấu này đã có những kết quả bước đầu.

“Không cần thiết lập Ủy ban, làm luật tái cơ cấu kinh tế”
Đã rút vốn và giải thể 38 đơn vị thuộc Vinashin - 2
Thủ tướng: "Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế".

Liên quan đến nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết ý kiến trước đề xuất lập Ủy ban Tái cơ cấu (do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm, có sự tham gia của chuyên gia kinh tế độc lập) để hạn chế nhóm lợi ích, lợi ích ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả.

Thủ tướng cũng cho biết bản thân ông sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này. Các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Vì vậy, không cần thiết thành lập Uỷ ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 5/2012)” – Thủ tướng kết luận.

P.Thảo