1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cuộc sống thật đằng sau “tiền ảo” và những giao dịch ngầm (II)

(Dân trí) - Sự tồn tại của các loại tiền ảo như Liberty Reserve hay Bitcoin là minh chứng cho một nhu cầu có thật về thanh khoản trong thời kỳ phát triển công nghệ thông tin.

Cũng như các giao dịch ngầm phần nào cho thấy những lỗ hổng, khiếm khuyết của kinh tế truyền thống.
 
“Tiền tệ ảo”

Các thế hệ người dùng internet đầu tiên của Việt Nam nếu nhớ lại những năm cách đây hơn 1 thập kỷ với trào lưu chơi game trên những diễn đàn hẳn sẽ không xa lạ với “tiền điện tử”.

Dạng “tiền” này tương đương với “điểm” để xếp hạng thành viên trong diễn đàn về độ tích cực. Tương ứng số điểm này, các thành viên sẽ ở những “cấp” khác nhau tuỳ vào tính tích cực trong xây dựng cộng đồng. Với số “tiền” có trong tài khoản cá nhân, thành viên có thể sử dụng để chơi trò chơi, mua đồ, biếu, tăng hay chuyển khoản trên diễn đàn.

Tuy nhiên, lúc này, mối liên hệ giữa tiền ảo và tiền thật chưa thực sự rõ rệt. Cho đến khi, một cuộc sống “ảo” trên internet dần ăn sâu và lan rộng trong giới trẻ thì “tiền điện tử” và tiền thật lúc đó mới có những sợ dây liên hệ thực sự mật thiết.

Tiền ảo trong game online.
Tiền ảo trong game online.

Mối liên hệ đó gắn với một thế hệ học sinh, sinh viên từ ký ức về những ngày “cày game online” xưng danh, thành đạt trong một thế giới ảo. Mà để xây dựng một hình ảnh “ảo” đó thì mồ hôi và tiền bạc bỏ ra của game thủ là thật. Tuy trong thế giới thật, không ai thừa nhận về tài sản, đồ đạc…mà game thủ có, chỉ cộng đồng game định giá với nhau, song sự định giá đó với cá nhân từng game thủ là có giá trị.

Tiền ảo trong game có thể có được từ làm nhiệm vụ, rớt ra từ quái vật nhưng sẽ chỉ đủ để mua máu, mana và một số kỹ năng… nhưng khó để mua một món đồ quý giá nào đó. Vì vậy, không ít người đã bỏ tiền thật ra để thu mua tiền ảo trong game, trở thành nhân vật “VIP”. Chuyện bỏ hàng chục triệu đồng cho những nhiệm vụ trong game của một người chơi là chuyện bình thường.

Nhìn vào Báo cáo tài chính năm 2011 của Vinagame (VNG) thấy rằng, trong 2.132,77 tỷ đồng doanh thu thuần mà công ty thu được thì 80,5% đến từ trò chơi trực tuyến. Mảng này đem lại cho VNG 1.717,43 tỷ đồng doanh thu trong năm 2011. Bên cạnh đó, doanh thu từ bán thẻ điện thoại và các thẻ trò chơi trả trước của các nhà cung cấp dịch vụ khác cũng lên tới 512,77 tỷ đồng.

Trở về 4 năm trước (năm 2009), cộng đồng mạng sẽ còn nhớ tới hàng loạt chủ đề (topic) trên các diễn đàn tìm hiểu “Bitcoin” là gì. Đây là khái niệm đồng tiền ảo mới do một hacker bí ẩn tên Satoshi Nakomoto sáng tạo nên (sau đó hacker này đã biến mất khỏi mạng trực tuyến vào năm 2010). Khác với những loại tiền ảo khác, Bitcoin (BTC) có thể mua hàng hoá và dịch vụ thực và được sự công nhận rộng rãi của người dùng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.



Bitcoin không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan hành chính nào. Thay vì được phát hành và vận hành bởi ngân hàng trung ương và hệ thống các ngân hàng, điểm giao dịch.., Bitcoin được tạo ra bằng các thuật toán được thiết kế ngày càng khó (nên còn được coi là 1 loại tiền kỹ thuật số), vận hành dưới một hệ thống máy tính ngang hàng được lập nên bởi các máy tính của người dùng.

Giải thích về sự tồn tại của Bitcoin cũng như các đồng tiền khác như Liberty Reserve (LR), WMZ/WME, PP, AP (những loại tiền do các cá nhân, tổ chức đưa ra)… đơn giản là sự công nhận về giá trị trong một cộng đồng lớn, nhưng sự công nhận này, dĩ nhiên, không phải loại tiền ảo nào ra đời cũng có được.

Kiếm tiền và mất tiền online đều là thật

Hoạt động “kiếm tiền trực tuyến” thường được cộng đồng sử dụng internet biết đến là MMO (make money online). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hoạt động công khai và hợp pháp thì MMO cũng là mảnh đất cho “underground – UG” (tạm dịch: cộng đồng ngầm) phát triển.

Trong một thế giới kiếm tiền ngầm, UG với sự công nhận của những đồng tiền ảo, trong đó LR và BCT được biết đến nhiều nhất (trong khi tính yêu cầu xác thực về hồ sơ lỏng lẻo) đã tạo ra một hệ thống ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, thậm chí mang tính chất lừa đảo rất tinh vi trên toàn cầu.

Kênh kiếm tiền được nhiều thành viên trong giới UG ưa chuộng là hack tài khoản tín dụng (Credit Card Verify – CCV; Credit Card None – CCN). Các tài khoản tín dụng này có thể có mã bảo vệ hoặc không, thường là của các chủ thẻ tại Mỹ và châu Âu.

Khi thông tin thẻ bị lấy trộm, ít khi được sử dụng để chuyển thẳng tiền về nước mà cá nhân trộm tài khoản sẽ sử dụng CC để gia nhập vào một sòng bạc trực tuyến hoặc các website cá độ, coi như một “tài khoản chùa”. Lúc này tiền thu về thường là LR. Các cá nhân sẽ thực hiện việc quy đổi LR thành tiền thật (ví dụ VND) tại những website trung chuyển (exchange) của Liberty Reserve có mặt trên toàn cầu. Hoặc cá nhân cũng có thể dùng LR để mua hàng tại những shop online chấp nhận đồng tiền này. “Tiền bẩn” lúc này đã thành “tiền sạch”.
 
Như đã đưa tin, ngày 31/5, sau 2 năm theo dõi, các cơ quan điều tra C50, C44, C51 trong nước phối hợp với FBI và cơ quan cảnh sát hình sự đặc biệt của Anh đã phá được đường dây mua bán thông tin thẻ tín dụng phi pháp và tổ chức đánh bạc, lô đề trên mạng với quy mô lớn.

Trong vụ việc này, số tiền của nhóm tội phạm tại Việt Nam có được từ bán thông tin thẻ tín dụng lên tới vài chục tỷ đồng, trong khi số tiền mà nhóm tội phạm nước ngoài có được thông qua những hành vi bất hợp pháp trên lên tới hơn 200 triệu bảng Anh (khoảng 6.000 tỷ đồng).

Ngoài ra UG cũng được biết đến với các hành vi lừa đảo (scam) khác. Chẳng hạn như việc các website, diễn đàn kiếm tiền online ra đời và lừa đảo thành viên thông qua việc “quỵt tiền” hay chiếm dụng tiền của thành viên từ những hoạt động quảng cáo click trả tiền v.v..

Một phương thức kiếm tiền khác cũng đang được chú ý ở Việt Nam hiện này là “đào Bitcoin”. BTC không giống như đồng LR do Liberty Reserve phát hành mà có thể do nhiều người sản xuất và vì thế cũng không bị một tổ chức nào chi phối. Các máy tính của người dùng kết nối với hệ thống sẽ xử lý số liệu phức tạp để “đào” được Bitcoin, tức là sử dụng máy tính để giải các thuật toán phức tạp, người chiến thắng sẽ thu về tiền ảo – mà bản thân chúng là các dãy số được đơn giản hóa.

Khá nhiều người dùng ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã “tạo tiền” qua hoạt động này. Tuy nhiên, nguồn cung Bitcoin bị giới hạn. Theo đó, trung bình cứ mỗi giờ có khoảng 300 đồng tiền BTC được tạo ra, nhưng cứ 4 năm tỷ lệ này lại giảm một nửa và tổng lượng cung BTC không vượt quá 21 triệu đồng tiền vào năm 2030.

Phổ biến hơn cả trong những vụ kiếm tiền liên quan đến tiền ảo như BTC và LR đó là “đầu cơ tiền tệ ảo”. Chẳng hạn, giá BTC chỉ là 20 USD/BTC hồi đầu tháng 2, đến sáng sớm ngày 10/4, 1 đơn vị BTC đã tương đương với 260 USD. Chốt lời ở mức này, nhà đầu cơ BTC đã thu bộn. Tuy nhiên, cũng trong 10/4, hoạt động bán tháo xảy ra khiến BTC lao dốc không phanh khiến cộng đồng đầu tư BTC chao đảo. Trưa cùng ngày, giá trị Bitcoin giảm còn 150 USD/BTC và tại thời điểm hiện tại (2/6/2013), 1 BTC tương đương 129,3 USD.

Một rủi ro nhãn tiền mà hầu hết dân chơi tiền ảo nào cũng nhìn thấy, đó là việc găm giữ đồng LR. Khi nhà phát hành Liberty Reserve bị phong toả, các điểm trung chuyển đồng tiền này đều đóng cửa, người nắm giữ LR dường như mất trắng. Còn các “exchanger”, tài khoản còn hàng trăm nghìn LR cũng “không cánh mà bay” (1 LR bằng khoảng 1 USD).

Vì sao giao dịch ngầm tồn tại?

Trở lại với “underground economy” – nền kinh tế ngầm đã đề cập ở kỳ trước. Sự tồn tại của các giao dịch ngầm có những ý nghĩa và mục đích riêng.

Gần đây, TS.Võ Hồng Đức và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô nền kinh tế ngầm tại Việt Nam chiếm 33,9% GDP năm 2011.

Tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2011 tại Hà Nội chỉ có hơn 80 giao dịch qua sàn bất động sản, còn hơn 6.000 giao dịch không qua sàn. Đến năm 2012, số giao dịch qua sàn chỉ là 60 và gần 3.000 giao dịch không qua sàn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của giao dịch ngầm đó là gánh nặng về thuế, phí. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu và viện trợ (không gồm thu kết chuyển) trong giai đoạn 2006-2010 là 29,3% GDP, trong đó nếu chỉ tính thu từ thuế và phí không kể thu từ dầu thô thì con số này là 20,3% GDP. Trong khi khoản thu này của Trung Quốc là 19,6%, Campuchia là 14,8%, Indonesia là 18,9% so với GDP. Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ thuế phí/GDP của Việt Nam ở mức cao trong khu vực.

Từ đó, hệ luỵ là các giao dịch ngầm diễn ra. Chưa kể, các hành động như tham nhũng, các khoản lót tay…  Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, mặc dù tham nhũng vặt giảm nhưng tham nhũng quy mô lớn là có xu hướng tăng. Có  tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến.

Một nền kinh tế ngầm cũng là nơi mà doanh nghiệp giải quyết những nhu cầu về vốn mà không phải qua kiểm định gắt gao như ngân hàng, hoặc do bế tắc về vốn khi ngân hàng thiếu thanh khoản. Các vụ vỡ tín dụng đen thời gian vừa qua chỉ là hậu quả nhìn thấy sau cùng từ một quá trình lâu dài thói quen vay mượn lẫn nhau trong cộng đồng người dân và doanh nghiệp.

Từ những giao dịch ngầm trong đời sống thực cho đến những giao dịch ngầm trong thế giới internet, mối liên hệ ngày càng chặt chẽ và khó kiểm soát hơn. Khi nền kinh tế thống kê truyền thống không đủ đáp ứng nhu cầu của người tham gia thị trường, và khi những khung pháp lý và trách nhiệm của các nhà chức trách vẫn còn coi nhẹ kinh tế ngầm, thì lúc đó, tội phạm kinh tế vẫn còn nảy sinh với những hấp lực rất hiện hữu.

Bích Diệp