1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Cục máu đông” nông sản

Lại một lần nữa phải xót xa trước cảnh hàng chục ngàn tấn dưa hấu, thanh long mà nông dân nước ta phải một nắng hai sương làm ra bị ùn ứ, chật vật tìm đường sang Trung Quốc.

Hàng trăm xe chở dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh.
Hàng trăm xe chở dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Điều đáng nói là những nguyên nhân trực tiếp khiến hàng chục ngàn tấn dưa hấu, thanh long chật vật tìm đường sang nước láng giềng phía Bắc đều đã cũ rích từ nhiều năm nay. Theo lý giải của giới hữu trách từ trung ương tới địa phương, đó là khả năng tiếp nhận của kho bãi bên phía Trung Quốc hạn chế, khi vào lúc cao điểm có khoảng 800-1.000 xe tải, mỗi xe khoảng 20 tấn, kéo lên cửa khẩu 1 ngày trong khi đối tác bên kia biên giới chỉ có khả năng giải phóng khoảng 300 xe mỗi ngày. Nói tóm lại, nguyên nhân chính là do... khách quan!

Vì ách tắc kéo dài trong khi dưa hấu và thanh long là những loại nông sản không để được lâu, dễ hư thối... dẫn tới việc thương lái Trung Quốc mặc sức ép giá. Thế là quả dưa, trái thanh long mà nông dân phải khó nhọc lắm mới làm ra được lại thêm một lần nữa gặp khó tại cửa khẩu, thậm chí có tình trạng buộc phải bán đổ bán tháo.

Đã xót xa trước cảnh dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại cửa khẩu biên giới lại thêm rầu lòng trước “giải pháp hỗ trợ” của cơ quan nhà nước hữu trách. Giữa lúc hàng chục ngàn tấn dưa hấu ì ạch chờ nhích từng bước tìm đầu ra ở cửa khẩu thì một cơ quan thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu của bộ này tổ chức hẳn một chương trình mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Chương trình thiện nguyện như vậy là đáng ghi nhận song sẽ tốt và cần hơn gấp bội là Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình phải làm sao tìm được đầu ra cho hàng ngàn, hàng vạn tấn dưa hấu, thanh long chứ không chỉ vỏn vẹn có 14 tấn như chương trình “Hỗ trợ cho nông dân miền Trung”.

Cảnh tượng đáng buồn với dưa hấu, thanh long những ngày này cũng là tình trạng chung đã trở nên quen thuộc “được mùa, rớt giá” với nhiều nông sản khác của nước ta, kể cả những mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, hạt điều... Nguyên nhân chính của tình trạng đáng buồn này - từng được phân tích, mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội cũng như đánh giá của các chuyên gia - là thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là 2 ngành nông nghiệp và công thương.

Trong khi ngành công thương để mặc nông dân, doanh nghiệp “tự bơi” bằng con đường tiểu ngạch thì ngành nông nghiệp cũng chưa làm được trách nhiệm quy hoạch vùng sản xuất, sơ chế, bảo quản, kho chứa nông sản... Chính những điều đó tạo thành “cục máu đông” làm tắc nghẽn “huyết mạch” đầu ra của nông sản.

Chừng nào nông dân, doanh nghiệp mà đa phần nhỏ và yếu còn phải “tự bơi” tìm đầu ra cho nông sản mà thiếu vắng vai trò, trách nhiệm khơi dòng của cơ quan quản lý nhà nước thì vẫn còn đó “cục máu đông” nông sản cùng điệp khúc nghịch lý “được mùa, rớt giá”.
 
Theo Phạm Dương
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”