1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Công ty thua lỗ, "gánh nặng" không của riêng CEO

Công ty thua lỗ, người chịu trách nhiệm đầu tiên là tổng giám đốc, tuy nhiên ít ai nhắc đến trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban kiểm soát… trong quá trình giám sát hoạt động của các nhà điều hành.

Thống cơ sơ bộ từ Ủy ban Chứng khoán, năm 2011 trên hai sàn chứng khoán có khoảng 16% công ty niêm yết thua lỗ, 60% công ty có lợi nhuận sụt giảm.

Trong đó không ít công ty rơi vào tình trạng thâm hụt vốn nặng nề, điều này đã khiến mùa đại hội cổ đông năm nay trở nên nóng hơn và nhiều vị tổng giám đốc đã không tránh khỏi sự phản pháo từ phía hội đồng quản trị, cũng như các cổ đông.

Thua lỗ… “tóm người có tóc”

Mặc dù vẫn biết rằng năm 2011 là một năm đầy biến động, “cơn bão” lớn quét trôi mọi ngóc ngách của nền kinh tế và các doanh nghiệp đại chúng cũng không phải là ngoại lệ. Song, cũng không thể bỏ qua các nguyên nhân chủ quan đến từ sự thiếu năng lực của các giám đốc điều hành, dẫn đến việc quản trị rủi ro của một số công ty trở nên yếu kém.

Theo đánh giá chung, nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện có số vốn vay cao gấp nhiều lần vốn tự có, thêm vào đó hiệu quả sử dụng vốn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Lý giải từ giới chuyên gia, những lý do khiến doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay lớn là phát triển quá nóng vội trong việc đa dạng hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thậm chí là tại một số doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư không nhận diện được đâu là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đại chúng đã dùng vốn của cổ đông thực hiện các khoản mục đầu tư dàn trải, nhảy sang các lĩnh vực "tay trái" như bất động sản, đầu tư chứng khoán…, mà chưa đánh giá được hậu quả của việc hạn chế về năng lực quản trị rủi ro cũng như nguồn lực về con người, tài chính của công ty.

Thị trường cũng đã chứng kiến một thực tế, cuối năm 2011, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) bãi miễn Tổng giám đốc không đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn Sông Đà cũng có quyết định điều động Chủ tịch Hội đồng quản trị SJS về Tập đoàn nhận công tác khác...

Sự yếu kém trong hoạt động điều hành, đã khiến cho nội bộ SJS trở nên rối bời, sản xuất cũng đình trệ, đồng vốn của Nhà nước ngày một teo tóp và các cổ đông cũng phải chịu chung số phận.

Gần đây, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đỗ Quang Hiển đã chính thức nhận lỗi chủ quan không giám sát vị Tổng giám đốc bị bãi miễn trước đó, khiến cho kết quả kinh doanh của Công ty trong năm bị thua lỗ tới vài trăm tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà (Đồng Nai), giữa tháng Ba đã có thông báo bãi nhiễm chức danh Tổng giám đốc và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị do ông này sử dụng bằng Đại học giả. Được biết trước đó, cuối năm 2008 Công ty này cũng đã cách chức một vị tổng giám đốc khác với lý do chơi chứng khoán gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng...

Các bên liên quan có vô can?

Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ đều khá bằng lòng với việc “tóm tóc” Tổng giám đốc trong những trường hợp công ty làm ăn thất bát. Tuy nhiên, trong trường hợp các thị trường phi truyền thống của công ty (như bất động sản, tài chính…) tăng trưởng nóng, hoạt động đầu tư trái tay mang lại những khoản lợi nhuận vượt xa hoạt động kinh doanh chính thì Tổng giám đốc ngay lập tức sẽ được tôn vinh thành anh hùng và các lỗi yếu kém về quản trị rủi ro theo đó cũng được xí xóa.

Thế nhưng, theo bà Anne Molyneux, chuyên gia tư vấn quốc tế cao cấp về quản trị công ty, không thể nào chỉ đổ lỗi cho những người đứng đầu công ty mà quên đi trách nhiệm của các bên liên quan. Giới đầu tư thường tin tưởng vào các công ty kiểm toán trong việc rà soát hoạt động của công ty và có trách nhiệm chỉ ra những lỗi vi phạm của ban điều hành.

Tuy nhiên, theo quy định thì kiểm toán chỉ có nhiệm vụ đọc, xem xét các báo cáo hàng năm và hệ thống kế toán của công ty. Việc của kiếm toán không phải là đi tìm những hành vi lừa đảo.

Trong khi Ban kiểm soát lại có quyền giám sát, xem xét các hoạt động giao dịch của công ty, qua đó có thể phát hiện ngay các dự án kém hiệu quả, các giao dịch bất thường, hay sự yếu kém trong quản trị rủi ro của Tổng giám đốc và Ban điều hành.

“Thực tế tại nhiều doanh nghiệp đại chúng, các kiểm soát viên dường như chưa có đủ điều kiện và quyền lực để có thể ra các quyết định khách quan, thực hiện chất vấn mạnh mẽ ban giám đốc trong quá trình hoạt động kinh doanh của họ,” bà Anne nói.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, là người tham gia nhiều vào hội đồng quản trị của các công ty đại chúng cho biết, kinh doanh yếu kém, trách nhiệm cua ông Tổng giám đốc là phải từ chức, song các bộ phận khác, vị trí khác có trách nhiệm liên quan thì không phải giải trình là một nghịch lý.

“ Khái niệm về ban kiểm soát như hiện nay là không hiệu quả, theo tôi Hội đồng quản trị cần phải có một ban kiểm toán độc lập, có như vậy thì mới có thể giám sát và chỉ ra những lỗi của ban giám đốc, kịp thời báo cáo cho Hội đồng quản trị để phòng ngừa rủi ro, chứ không phải chờ đến cuối năm nhìn kết quả hoạt động kinh doanh mới phát hiện ra vấn đề thì e rằng thiệt hại đã quá rõ ràng rồi,” ông Dominic nói.

Ngoài ra, ông Dominic cũng cho rằng, giới đầu tư Việt Nam thường có thói quen dựa vào Nhà nước để theo dõi, thanh tra, phát hiện các vấn đề của doanh nghiệp. Nhưng làm như vậy thì không có một cơ quan quản lý nào có đủ sức kiểm soát được.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng nhấn mạnh, hiện nay Ủy ban chỉ mới kiểm soát khả năng quản trị rủi ro trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư...).

“Đối với các doanh nghiệp đại chúng, về năng lực quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp chúng tôi chỉ đưa ra các hướng dẫn mà không mang tính chất bắt buộc.Tới đây Ủy ban sẽ phát hành ra cuốn cẩm nang hướng dẫn đồng thời thực hiện các khóa học đào tạo và quản trị rủi ro,” ông Hải cho biết.

Theo Linh Chi
Vietnam+