1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công chứng tư: “Ổn” ngay từ... tháng ngâu

(Dân trí) - Các văn phòng công chứng tư đầu tiên của Hà Nội, khai trương và hoạt động gần như trùng với tháng ngâu - tháng nhiều người kiêng kị mua bán, làm ăn lớn. Dẫu vậy, “bầu trời” làm ăn khởi đầu của các văn phòng này vẫn khá sáng sủa.

Khách hàng nhiều nhất là... công chức, cán bộ

Phòng chờ của văn phòng công chứng Hà Nội (biệt thự A38 - Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy), giữa giờ chiều, dãy ghế chờ gần kín. Nhân viên phục vụ bưng khay trà, nước mát theo nhu cầu tới từng khách hàng. Vài người tranh thủ hí hoáy điền nốt hồ sơ trong khi một số khác được nhân viên kiểm tra lướt giúp các giấy tờ cần để công chứng. Hầu hết đều tỏ ra thoải mái… chờ trong căn phòng tiện nghi, mát mẻ.

Bác Bùi Quốc Trung (nhà A3 - tập thể Bộ Tài chính, Đê La Thành, Đống Đa) cho biết đây là lần đầu sử dụng dịch vụ công chứng tư. Người quân nhân hưu trí tỏ ra khá thú vị, đưa ra nhận xét đầu tiên “điều kiện vật chất rất tốt”. Bác Trung cho rằng, khu vực giao dịch, mặt bằng hơi hẹp nhưng có phòng tiếp đón tiện nghi thế này, ngồi chờ cũng thoải mái.

Bác Trung là người rất hay phải đi công chứng. Ở các văn phòng công chứng nhà nước, dù thường xuyên được ưu tiên vì là thương binh, bác thấy vẫn nhiều thủ tục, thao tác bất tiện. Đến giờ, khi công chứng tư và công chứng nhà nước đều được công nhận như nhau thì theo bác Trung, bác sẽ lựa chọn nơi nhẹ nhàng, thoải mái, nhanh gọn để làm.

Khá hài lòng với dịch vụ công chứng tư, bác Trung cười vui vẻ: “Nếu có việc phải công chứng, tôi sẽ quay lại đây”.

Luật sư Nguyễn Thị Giang (Văn phòng LS Đồng Tâm - Đoàn LS Hà Nội) cũng lần đầu tìm tới văn phòng công chứng Hà Nội. Chị Giang cần công chứng một hợp đồng thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng cho khách hàng. Nhìn thấy phòng giao dịch đang khá đông người làm thủ tục, nữ luật sư đoán còn phải chờ ít nhất 15-20 phút nữa mới tới lượt mình.

Chị nhận xét, lượng khách hàng đang có mặt ở văn phòng tương đối đông, có thể đang đúng “giờ cao điểm” nên đã “tắc” ở phòng chờ khá lâu. Với những người phải viện tới công chứng nhiều như chị, việc khai sinh các văn phòng công chứng tư rất đáng phấn khởi. Chị Giang khẳng định, tiêu chí lựa chọn giữa “công” và “tư” là cứ chỗ nào tạo điều kiện cho khách hàng tốt nhất thì dùng.

Tuy nhiên, việc này nhiều khi còn phụ thuộc vào yêu cầu từ khách hàng của chị. Không ít khách hàng, đặc biệt là những người trung tuổi vẫn “giao kèo” phải qua công chứng nhà nước. Các cụ vẫn giữ tâm lý “ăn chắc”, chỉ tín nhiệm công chứng nhà nước, cho rằng đó mới đảm bảo giá trị.

Công chứng tư: “Ổn” ngay từ... tháng ngâu - 1
Phòng chờ tiện nghi, mát mẻ của văn phòng công chứng Hà Nội.
Việc ra đời các văn phòng công chứng tư, theo nhận xét của cá nhân chị Giang, đã tạo ra những tác động tích cực tới các văn phòng công chứng nhà nước. Những lần gần đây cần tới đó công chứng, các thủ tục cũng làm rất nhanh gọn, không phải chờ đợi, chỉ có điều, thời gian hẹn trả hồ sơ vẫn kéo dài, “thua đứt” tốc độ của công chứng tư (thường là hôm trước, hôm sau có kết quả ngay).

Trưởng văn phòng công chứng Việt (219 Nguyễn Ngọc Vũ), Phạm Quang Hưng, cũng khẳng định, đối tượng khách hàng tìm tới chủ yếu là giới công chức, văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc và hiểu biết pháp luật như công an, bộ đội, cán bộ ngân hàng.

Lãi ở mức “chấp nhận được”

Ông Phạm Quang Hưng nhìn nhận, việc công chứng ở văn phòng của anh đảm bảo “gọn gàng” hơn so với văn phòng nhà nước. Thông thường giao dịch chỉ “gói gọn” trong hai lần: một lần nộp hồ sơ cộng một lần hẹn hoàn thành đầy đủ hồ sơ, kí nhận, đối chiếu giấy tờ gốc và lấy kết quả luôn.

Quá trình giao dịch, nếu “vấp” vấn đề gì, văn phòng chủ động gọi điện cho khách hàng để hỏi lại thông tin. Trong khi đó, với các văn phòng công chứng công, bản thân ông Hưng với nhiều năm đi công chứng “đúc kết” rằng, khách hàng gọi điện di động cho nhân viên cũng…khó.

Về giao dịch của khách hàng, theo anh Hưng nhiều nhất vẫn là liên quan đến mua bán bất động sản, liên quan giao dịch ngân hàng, mua bán ô tô. Văn phòng công chứng Việt, hoạt động tháng đầu tiên trùng với tháng ngâu, tháng kiêng kị mua bán, làm ăn lớn, nhưng giao dịch vẫn khá “xôm”.

Những ngày đầu mới thành lập, mỗi ngày văn phòng công chứng Việt chỉ tiếp nhận 1-2 hồ sơ. Đến giai đoạn gầy đây, trung bình mỗi ngày đã có tới 6-7 hồ sơ...

Chủ nhiệm Văn phòng Công chứng Hà Nội, Lê Quốc Hùng cũng hồ hởi, sau hơn một tháng hoạt động, tại văn phòng đã có 320 hồ sơ công chứng được hoàn thành - trung bình 10 hồ sơ/ngày.

Mỗi hồ sơ thường có 4-5 khách hàng đến và tính ra số khách hàng đến giao dịch thành công là trên một ngàn người. Số người phải bổ sung hồ sơ cũng lên đến trên ngàn người. Tổng cộng trong vòng một tháng có khoảng 3 ngàn khách hàng đã đến với văn phòng công chứng Hà Nội.

Nếu không kể chi phí đầu tư, văn phòng đã có lãi ngay từ tháng đầu tiên hoạt động ở mức... “chấp nhận được”. Còn hạch toán chi li, phải hơn một năm sau văn phòng mới có thể hưởng lãi, nhưng theo ông Hùng, đó cũng không phải lãi lớn, chỉ là lãi bền vững.

Sau hơn một tháng ông Hùng cũng đã có thể “mổ xẻ” lại phát biểu của mình với các phương tiện thông tin đại chúng trong ngày khai trương. Nếu như lúc ấy ông còn rất băn khoăn với việc, người dân lâu nay vẫn “uy tín” với những văn phòng nhà nước hơn là tư nhân thì thực tế lại cho thấy, người dân khá hồ hởi đón nhận công chứng tư.

Về tổ chức “bộ máy”, ông Hùng cho biết, văn phòng của ông chỉ có khoảng 6-8 người làm việc, mỗi ngày chỉ một công chứng viên, nhưng có thể giải quyết được công việc không thua kém một văn phòng công chứng nhà nước. “Nếu không gọn nhẹ thì lỗ nặng, vì chúng tôi không thể so sánh với công chứng nhà nước - họ không phải thuê nhà, quĩ lương do nhà nước trả”, ông Hùng nói.

Bài và ảnh: Kim Tân - Phương Thảo