1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có thể khởi kiện nếu ngành điện sai phạm

(Dân trí) - Doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như chi phí đầu vào gia tăng, chỉ được vay bằng nội tệ với siêu lãi suất... và hơn cả là việc cúp điện. Sự thực này khiến ngành điện không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Thiệt hại của doanh nghiệp, “chia sẻ” thôi chưa đủ

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/7, Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu (XK) và các doanh nghiệp (DN) đã tỏ rõ sự bức xúc trước vấn đề cúp điện.

Việc cắt điện không báo trước khiến cho các DN thiệt hại rất lớn. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định: “Mất điện là nạn khủng khiếp đối với các doanh nghiệp chế biến và XK cá tra. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thu mua, chế biến hết cá tra, basa của nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ chính là do cúp điện. Do không có điện, các nhà máy chỉ có thể hoạt động khoảng 50% công suất”.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đã chỉ ra khó khăn đối với ngành dệt may: Việc cắt điện này như “bức tử” đối với DN có hàng ngàn lao động như ngành da giày, dệt may. Cắt điện đột ngột, thậm chí còn không báo trước đã khiến cho hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc, trong khi DN vẫn phải trả tiền. Đây là điều hết sức bất hợp lý.

Đại diện Tổng Công ty Thép còn cho thấy không chỉ năng suất giảm, chất lượng sản phẩm của DN cũng bị ảnh hưởng khi bị cúp điện. Nếu nhà máy đang vận hành mà mất điện thì gây hậu họa cho vấn đề kỹ thuật.

Trước những bức xúc trên, ông Huỳnh Văn Thanh, đại diện EVN đã tỏ ý chia sẻ và thanh minh rằng: Sở dĩ có chuyện cúp điện là do từ 15/6 đến 16/7, một loạt nhà máy điện do sự cố đã phải tách ra khỏi hệ thống lưới điện quốc gia khiến tình hình rất khó khăn.

Dẫu vậy, sự cố đó không thể chỉ có “chia sẻ” là đủ. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Vừa qua Thống đốc NHNN đã cắt chức 2 Giám đốc chi nhánh vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vậy ngành điện lực cũng nên “học tập” chuyện này… ”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu cũng nói rõ: “Dù bất luận thế nào thì trách nhiệm chính để thiếu điện vẫn thuộc về ngành điện lực và Bộ Công Thương. Ngành điện nói thiếu 30% nhu cầu của hệ thống do sửa chữa tại các nhà máy dẫn đến cúp điện đột ngột, không báo trước là không thể chấp nhận được. Thủ tướng Chính phủ đã nói, ngành điện sinh ra là để cung cấp điện. Nếu tất cả đều đứng lên xin lỗi thì đã muộn. Người dân và doanh nghiệp có thể kiện ra trọng tài kinh tế nếu ngành điện có sai phạm. Bộ Công Thương có tổ công tác kiểm tra và sẽ kiên quyết áp dụng các chế tài đối với ngành điện”.

Chỉ được vay bằng nội tệ với siêu lãi suất

Trên thực tế, chi phí đầu vào quá cao đang xảy ra đối với nhiều nhóm hàng xuất khẩu. Lãnh đạo bộ Công Thương cho biết, như hàng dệt may là nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai sau dầu thô. Mặc dù có nhiều khách hàng lớn đã gia tăng đơn hàng xuất khẩu và cả đơn giá xuất khẩu, nhưng do chi phí đầu vào tăng nên các biện pháp khuyến khích xuất khẩu phải được thực hiện quyết liệt thì mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

“Đối với các DN sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ, giá XK phải tăng 15 - 20% thì mới đảm bảo chi phí đầu vào. Tuy nhiên, hiện khách hàng chỉ đồng ý tăng tới 10 - 12%. Điều đó gây khó khăn lớn do DN. Nếu không tăng giá thì lỗ, nếu quyết định tăng thì khả năng khách hàng sẽ bỏ sang nhà XK khác” - Ông Nguyễn Chiến Thắng Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Nhưng theo nhiều đại biểu, một trong những nguyên nhân đáng kể khiến chi phí đầu vào tăng là do những bất cập về lãi suất và tỷ giá. Theo Quyết định 09 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì chỉ được vay bằng đồng tiền nội tệ với lãi suất hiện đang cực cao, nhưng ngoại tệ thu về bán cho ngân hàng theo biên độ tỉ giá là 2%, trong khi thực tế trên thị trường cao hơn thế, càng làm cho DNXK thiệt thòi.

Trước sự việc đó, bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải có những giải pháp điều hành lãi suất, có lộ trình điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đồng thời tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên để các ngân hàng không "xé rào" trong việc thu thêm các dịch vụ khác ngoài qui định khiến mức lãi suất càng bị đẩy lên cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, lượng hàng xuất khẩu chưa tăng cao. Một số mặt hàng chủ lực không tăng về số lượng hoặc có tăng nhưng không đáng kể như: Gạo, cà phê, cao su, hạt điều, nhân điều, chè.

 

Chất lượng không ít mặt hàng còn thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Chất lượng than xuất khẩu ngày càng giảm do khai thác nhiều nơi, chất lượng cà phê thấp thiếu ổn định. Rau quả xuất khẩu thiếu độ tin cậy về vệ sinh an toàn thực phẩm do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản không đúng quy định đang diễn ra phổ biến.

Lan Hương