1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Có thất thoát nhưng không phải quá lớn”

(Dân trí) - Đánh giá này được ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách của QH đưa ra sau khi thực hiện giám sát tình hình cổ phần hoá DN nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều để bàn xung quanh chủ đề đã được nói rất nhiều này.

Trong hai năm vừa qua, chúng ta mới cổ phần hoá thêm được vài % tổng số vốn nhà nước. Như vậy cổ phần hoá vẫn không đạt được mục tiêu?

Nếu anh đặt mục tiêu cổ phần hoá hoàn thành 2010 thì phải đến khi đó ta mới đánh giá đạt mục tiêu hay không. Nhưng với gần 3.800 doanh nghiệp đã cổ phần hoá thì những mục tiêu đặt ra là đa sở hữu, đổi mới quản lí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tích lũy, tăng thu nhập và cổ tức cho người lao động thì chúng ta đạt được.

Tất nhiên, có vấn đề thất thoát, người lao động gắn bó với doanh nghiệp còn hạn chế, cổ đông chiến lược chỉ có 4%... Có thể nói, chúng ta đạt được những kết quả tích cực nhưng rõ ràng cũng có mặt hạn chế.

Từ nay đến 1/7/2010 chỉ còn gần hai năm, trong khi còn tới 1720 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính đã có đề xuất, ta cứ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn bán ra ngoài 5% hay 3%, thậm chí 1% cũng được, quan trọng là chuyển đổi mục đích doanh nghiệp?

Cổ phần hoá chính là để làm đa dạng hoá sở hữu. Những doanh nghiệp nào nhà nước nắm cổ phần chi phối thì xác định rõ, còn những doanh nghiệp nào nhà nước không nắm cổ phần chi phối có thể giảm bớt, thậm chí có những doanh nghiệp nhà nước không giữ cổ phần nào nữa.

Cho nên một doanh nghiệp cổ phần 5% hay 3% sao gọi là cổ phần được. Doanh nghiệp cổ phần chỉ được 5%, chúng tôi đánh giá đó là cổ phần hoá không thành công.

Việc tìm kiếm đầu tư chiến lược thực tế mất rất nhiều thời gian, có thể lên đến vài 2 năm... Có ý kiến cho rằng, thay vì đặt mục tiêu tìm nhà đầu tư chiến lược lên hàng đầu, ta vẫn cứ cổ phần hoá rồi tìm nhà đầu tư chiến lược sau?

Thực ra, việc tìm nhà đầu tư chiến lược quyết định tương lai của doanh nghiệp. Bản thân những người trong doanh nghiệp được cổ phần hoá đó phải đặt vấn đề, nếu anh tìm được nhà đầu tư chiến lược đúng đắn theo nghĩa của nó là có tiềm lực tài chính, có trình độ quản lí, có công nghệ và họ thực sự tham gia vào quản lí doanh nghiệp thì điều này sẽ quyết định tương lai của doanh nghiệp và quyết định giá trị của doanh nghiệp.

Nếu anh chỉ đặt vấn đề, cổ phần hoá xong, anh tìm nhà đầu tư chiến lược cũng không vấn đề gì, nhưng đó chỉ là nhà đầu tư tài chính mà nhà đầu tư tài chính chỉ thiên về lợi nhuận. Khi có lợi nhuận, họ đầu tư vào, khi không có họ rút ra. Như vậy mục tiêu tìm nhà đầu tư chiến lược rõ ràng không đạt kết quả.

Theo bản báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách do ông trình bày tại Thường vụ Quốc hội thì thất thoát trong cổ phần hoá là lớn?

Có nhiều ý kiến cho rằng, thất thoát quá lớn, nhưng không phải. Qua giám sát lại của chúng tôi thì có thất thoát nhưng thất thoát không lớn.

Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước năm 2007 đã thu lãi được 4 - 5.000 tỉ đồng cho nhà nước. Như vậy truớc đây, khoản này đã bị thất thoát?

Không phải! Vốn đó vẫn nằm trong doanh nghiệp thôi. Thế nhưng, trước đây 100% vốn là của nhà nước, phần lãi đó nhà nước để lại cho doanh nghiệp và khi doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp nộp thuế cho nhà nước.

Còn bây giờ nhà nước bán một phần cổ phần đi thì tiền đó nhà nước thu về.

Một trong những mục tiêu của cổ phần hoá là giúp người lao động cải thiện đời sống, gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động lại bán lúa non thì mục tiêu có đạt được?

Qua đánh giá 500 doanh nghiệp cổ phần hoá vừa qua, rõ ràng doanh thu tăng lên, lợi nhuận tăng lên, thu nhập của người lao động tăng 54%.

Có hiện tượng người người lao động bán lúa non nhưng lúa non đó mỗi năm bỏ ra mua theo chế độ thì cũng chỉ vào khoảng 1/10 so với thu nhập bằng tiền lương của họ.

Vì vậy họ bán đi cũng giảm thu nhập nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tất nhiên, khi họ bán đi thì họ cũng có một khoản thu nhập để đầu tư vào việc khác.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Cường (ghi)