1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu OTC: Vạn kẻ bán, trăm người mua

Khác hẳn với không khí tưng bừng thời gian trước, những ngày này, cổ phiếu OTC trở nên khó bán hơn bao giờ hết. Trên các mạng chuyên về OTC, các sàn giao dịch và qua môi giới, cổ phiếu OTC đang trong tình trạng “vạn kẻ bán, trăm người mua”.

Cổ phiếu của một số Ngân hàng (NH) lớn như Eximbank, EAB, An Bình, Phương Nam, Habubank... vẫn giao dịch khá nhộn nhịp nhưng giá đã giảm 2-5% so với cuối tuần trước. Nguyên nhân chính là do cảnh báo giá nóng và không phản ánh đúng giá trị thực dù các NH cổ phần công bố số lãi đến 2.600 tỷ đồng năm 2006.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, phần lớn số lãi này do hoạt động kinh doanh chứng khoán mang lại. Hiện tại các lô cổ phiếu lớn của các NH trên khoảng từ 1.000 cổ phiếu trở lên cũng đang khó tìm được người mua trong ngày 5 và 6/2. Tình trạng trên đã kéo nhiều cổ phiếu OTC nóng rẫy vào tuần trước như Mai Linh, Alphanam, PVI... cũng xuống giá theo và lượng bán nhiều hơn mua.

Thị trường OTC tỏ ra “nhạy cảm” hơn thị trường niêm yết vì giá mới chỉ giảm xuống chút đỉnh nhiều người đã vội vàng bán ra, có cổ phiếu do bán ra nhiều quá nên không ai can đảm mua.

Cụ thể, các cổ phiếu của Cấp nước Gia Định, Chợ Lớn, Nhà Bè, Thủ Đức... chẳng ai muốn mua vào thời điểm này.

Cùng chung số phận là cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thủy sản, địa ốc, cao su. Những lời rao bán lô cổ phiếu OTC từ 5.000 cổ phiếu trở lên của nhiều loại cổ phiếu không thuộc ngành NH, dầu khí hay bảo hiểm rất khó giao dịch thành trong vòng 5 ngày qua. OTC mua bán khó khăn đã khiến hàng loạt nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” khi chấp nhận bỏ cọc vì lỡ đấu giá quá cao mà nay giá thị trường lại hạ thê thảm.

Không chỉ PVI có thêm 2,2 tỷ tiền nhà đầu tư bỏ cọc mà phiên đấu giá của Cao su Tây Ninh, Đồng Phú, Cadivi, Kido... cũng có nhiều nhà đầu tư chịu mất cọc chứ không dám ôm cổ phiếu.

Tết đến phải “ôm” tiền về!

Tại sàn SSI, Đông Á, ACBS, BVSC... quanh đi quẩn lại cũng chỉ những cổ phiếu OTC của NH, dầu khí, bảo hiểm... giao dịch chạy nhưng giá cũng chững lại hoặc xuống nên các cổ phiếu khác phải xuống theo.

Lý giải hiện tượng “gió đổi chiều” này, Phó GĐ một công ty chứng khoán lớn cho biết: “OTC ra nhiều quá, ước tính hơn 850 loại cổ phiếu, mua bán quá lộn xộn mà thông tin siết thị trường này ngày càng rõ nét nên nhà đầu tư sợ bán ra càng nhiều, người mua ít thì dư bán lớn là điều tất nhiên”.

Còn theo ông Trần Quang Long- Nhà đầu tư lớn trên sàn SSI - thì “gần Tết nên nhiều người muốn gom tiền về, không loại trừ phải vay mượn cầm cố đã đến thời hạn trả và không muốn để sang năm mới xui xẻo nên phải bán bằng mọi giá để thanh toán”.

Bên cạnh đó mối lo về một thị trường được quản lý chặt chẽ hơn, không còn dễ “kiếm ăn” và “ăn xổi” như hiện nay đang dần trở thành hiện thực càng khiến nhiều nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu OTC có tính thanh khoản thấp.

Những cổ phiếu có giá chỉ gấp 2-3 lần mệnh giá đang được ưu tiên bán càng nhanh càng tốt. Nhưng lời khuyên “nhà đầu tư nên bĩnh tĩnh, vào khuôn khổ sẽ về lâu dài sẽ đảm bảo quyền lợi cho chính họ” của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Trưởng khoa Ngân hàng ĐH Kinh tế TPHCM - đáng để dân chơi OTC tham khảo vì càng bán nhiều càng mất giá và hiếm người mua.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong