1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Có chuyện ưu ái doanh nghiệp FDI trong cấp phép xây dựng tại địa phương

Thế Hưng

(Dân trí) - Điều tra về thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp dân doanh cho biết, có trải nghiệm kém tích cực hơn doanh nghiệp FDI.

Tại hội thảo công bố báo cáo "Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp" diễn ra sáng nay (26/11) tại Hà Nội, đại diện VCCI đã đưa ra bộ chỉ số đánh giá theo điều tra với 2.100 doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI).

Theo đó, điểm đáng chú ý trong báo cáo này là việc, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp FDI.

Có chuyện ưu ái doanh nghiệp FDI trong cấp phép xây dựng tại địa phương - 1

Trong báo cáo chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát.

Chênh lệch này đáng kể ở các nhóm thủ tục về "quyết định chủ trương đầu tư", "thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng", "thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị", và "kết nối cấp điện".

Đại diện VCCI cho rằng, điều này phản ánh rõ những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

"Một số địa phương sẵn sàng "trải thảm đỏ" mời gọi nhà đầu tư nước ngoài với sự chuẩn bị sẵn về mặt bằng kinh doanh (ví dụ như các khu công nghiệp với hạ tầng đường xá, điện, nước, viễn thông hoàn thiện) đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký đầu tư", đại diện VCCI cho hay.

Trả lời về việc có ưu ái các doanh nghiệp FDI hay không, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Đoàn khẳng định: "Ưu ái gọi là có!"

"Nhưng nhìn hồ sơ và thiết kế của họ đã ưng. Giấy tờ hồ sơ rất rõ ràng, mạch lạc. Đặc biệt trong cấp phép xây dựng giấy tờ sở hữu đất đai hợp pháp là điều quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp FDI đầu tư trong khu công nghiệp tập trung, các chỉ tiêu đầy đủ rõ ràng thì lên chỉ có ký để cấp thôi", ông Đoàn chia sẻ thêm.

Cũng theo báo cáo từ phía VCCI, xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong 13 thủ tục được khảo sát là nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Hai nhóm thủ tục này lần lượt có 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó.

Khó khăn chính từ các hoạt động đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư xây dựng thông thường thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trên thực tế, đền bù và giải phóng mặt bằng là giai đoạn thường phát sinh khúc mắc với chủ sử dụng đất. Đặt biệt ở các dự án đầu tư xây dựng lớn khi doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện sang thỏa thuận. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, tranh chấp, khiếu kiện đất đai dễ xảy ra khiến các dự án bị đình trệ, kéo dài.