1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng khoán rơi tự do sau tin giá xăng tăng sốc

(Dân trí) - Sự kiện giá xăng dầu bất ngờ tăng mạnh đã khiến thị trường chứng khoán bị tác động mạnh vào đầu phiên, đồ thị các chỉ số dựng đứng. Cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh. Tuy nhiên nhờ nhiều thông tin vĩ mô tích cực khác nên thị trường dần phục hồi.

Trong 30 phút đầu mở phiên giao dịch cuối tháng 3, thị trường chứng kiến tình trạng rơi thảm của chỉ số trên cả hai sàn giữa lúc tin giá xăng tăng sốc vẫn đang còn tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.

Đồ thị gần như dựng đứng đầu phiên với tốc độ giảm giá chóng mặt của hàng trăm cổ phiếu. VN30-Index chạm đáy tại thời điểm 9h30’, mất 8 điểm kéo VN-Index mất hơn 7 điểm xuống 483,5 điểm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên sàn Hà Nội.

Diễn biến chỉ số VN-Index.
Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến VN30-Index.
Diễn biến VN30-Index.

Diễn biến HNX-Index.

Diễn biến HNX-Index.

Tuy nhiên, sau chấn động mạnh về tâm lý của thông tin này dịu lại, áp lực xả hàng giảm đáng kể đã giúp các chỉ số phục hồi trở lại dần về cuối phiên.

VN-Index chỉ còn mất 1,07 điểm tương ứng 0,22% còn 489,6 điểm; HNX-Index mất 0,75 điểm tương ứng 1,24% còn 59,56 điểm. Biên độ sụt giảm ở VN30-Index thời điểm hiện tại cũng chỉ còn 0,32% do mất 1,74 điểm.

Giá xăng tăng bất ngờ giữa bối cảnh giảm phát vào tháng 3 nhưng không vì thế mà bớt nỗi lo lạm phát tăng trở lại vào nửa cuối năm.

Ngoài ra, giữa lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì liên Bộ Tài chính – Công thương cũng cho phép điều chỉnh tăng giá dầu diezel lên tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480 đồng/lít và dầu ma zút điều chỉnh tối đa 807 đồng/kg. Đây là những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, vận chuyển của doanh nghiệp.

Tuy vậy, bên cạnh thông tin tiêu cực này, thị trường cũng đón nhận những thông tin tích cực khác, được cho là “đối trọng” với tin xăng dầu tăng sốc.

Cụ thể, nhiều khả năng trong chiều hôm nay, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 sẽ có thông báo chính thức về việc thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC), hỗ trợ đáng kể cho tiến trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Hiện tại, MSN và PGD đang là 2 mã giảm mạnh nhất, mất 1.000 đồng/cp. Chỉ có 2 mã tăng là GMD và VNM trong khi 20 mã trong VN30 đều mất giá.

Trong rổ HNX30, duy nhất BVS tăng 200 đồng/cp, còn lại hầu hết giảm điểm, một số mã lớn như ACB và VND đứng giá tham chiếu. NTP thiệt hại nặng nhất, mất 4.100 đồng/cp, lực mua rất yếu, khớp lệnh chỉ 4 nghìn đơn vị.

Thanh khoản èo uột, cho thấy lực mua vẫn rất yếu. Mã khớp mạnh nhất là SHB chỉ có 5,3 triệu cổ phiếu giao dịch. Các mã khác như PVX, SCR khớp hơn 3,5 triệu, KLS khớp 2,5 triệu và VND khớp 1,4 triệu.

Tổng cộng, thanh khoản trên cả hai sàn chỉ nhỉnh hơn 500 tỷ đồng. Dòng tiền co hẹp và hầu như lực đỡ của bên mua yếu, do vậy, nếu thị trường xảy ra tình trạng “sốc tin” thì rất khó chống đỡ.

HSX có 26 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 363,5 tỷ đồng và HNX có 28,2 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 203,7 tỷ đồng.

Mai Chi