1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ nợ "sốt xình xịch" vì WonderBuy đòi phá sản

(Dân trí) - Trong khi hồ sơ bảo hộ phá sản của WonderBuy chưa chắc chắn được tòa án TP.HCM chấp nhận, câu trả lời "chờ tòa quyết" nợ nần của lãnh đạo Công ty này khiến các chủ nợ không khỏi lo ngại.

Theo con số mà ông Phan Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Hợp Nhất (thương hiệu WonderBuy) đưa ra ngày 13/6 thì hiện công ty này lỗ khoảng 52 tỷ đồng sau một năm hoạt động. Số nợ của WonderBuy với các doanh nghiệp, nhà phân phối trên thị trường khoảng 20 tỷ đồng, nợ khách hàng khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông Hà, tài sản của WonderBuy hiện chỉ còn khoảng 15 tỷ đồng.
 
Chủ nợ "sốt xình xịch" vì WonderBuy đòi phá sản - 1
WonderBuy đóng cửa đợi tòa.

Trước đó, trong tháng 5/2011 WonderBuy đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản ra TAND TP.HCM, tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, tòa đang yêu cầu WonderBuy bổ sung đầy đủ báo cáo tài chính, giải trình nguyên nhân mất khả năng thanh toán, liệt kê tài sản, danh sách chủ nợ, con nợ...

Việc WonderBuy đòi phá sản khiến nhiều chủ nợ, chủ yếu là các nhà phân phối, không khỏi lo ngại, nhất là khi trong buổi họp mặt các chủ nợ, WonderBuy lảng tránh các yêu cầu giải quyết của chủ nợ như lấy lại hàng... và hẹn các chủ nợ gặp nhau ở tòa.
 
Chủ nợ "sốt xình xịch" vì WonderBuy đòi phá sản - 2

Thông báo của WonderBuy không nhắc đến việc trả nợ cũ, khiến các nhà cung cấp lo ngại.

Một đại diện của FPT - nơi WonderBuy chưa thanh toán gần 3 tỷ đồng tiền phân phối máy tính, máy in, thiết bị mạng - nói: "Tại cuộc gặp, WonderBuy đã lảng tránh các yêu cầu của chủ nợ và đẩy trách nhiệm ra tòa giải quyết vì WonderBuy đã nộp hồ sơ ra tòa. Nhưng đến nay chưa biết tòa có thụ lý hồ sơ hay không".

Một chủ nợ khác cũng không khỏi băn khoăn về khả năng thu nợ của mình, cho rằng WonderBuy đang dùng "lá bùa" nộp đơn phá sản để làm lá chắn, thoái thác và kéo dài thời gian trả nợ. Chủ nợ này đặt câu hỏi, tại sao trong giấy CNĐKKD của WonderBuy ghi vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, gấp 4 lần số nợ nhưng công ty lại tuyên bố phá sản?

Điều khiến nhiều chủ nợ bức xúc hơn là mặc dù lảng tránh trách nhiệm về thanh toán nợ, WonderBuy lại thẳng thừng đưa ra "luật chơi" cho các chủ nợ bằng thông báo ngày 24/6, trong đó nhấn mạnh chỉ có 3 phương án: xuất hàng trả trước, giãn nợ tối đa 6 tháng và... ra tòa.

Các khách hàng mua hàng theo chương trình Bán hàng kiểu Mỹ (hoàn tiền theo thời gian sử dụng) tại WonderBuy cũng không khỏi chưng hửng khi nhận được thông báo từ công ty về việc quyền lợi của họ sẽ được giải quyết tại tòa.

Đáp lại những lo lắng, hoài nghi của các nhà phân phối và khách hàng, ông Phan Thanh Hà giải thích đây là một phương án kinh doanh, trong bối cảnh kế hoạch tái cấu trúc hoạt động của công ty giai đoạn 2011-2013 không thành công vì 12 tỷ dự kiến thu về từ bán thêm cổ phần cho các đối tác chiến lược và vay ngân hàng không đạt được.

Theo ông Hà, WonderBuy chọn phương án này vì nếu không tuyên bố phá sản mà ngừng việc kinh doanh thì các chủ nợ sẽ đòi. WonderBuy cũng khẳng định đang lập kế hoạch phục hồi kinh doanh, bắt đầu từ việc thuê mặt bằng mới.

Tuyên bố phá sản của WonderBuy làm nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau dưới góc độ pháp lý. Có luật sư cho rằng cách trả lời của WonderBuy là chưa thuyết phục, và đây là cách "lách nợ" bởi thực tế tòa chưa quyết định việc thụ lý hồ sơ bảo hộ phá sản hay không. Ngược lại, có người khẳng định không nên trầm trọng hóa câu chuyện phá sản, bởi bản chất đó chỉ là thủ tục đòi nợ tại tòa.

Xung quanh hoài nghi của các chủ nợ về tính minh bạch của tuyên bố phá sản, các luật sư đều cho rằng mọi thông tin về hiện trạng tài chính, mức độ góp vốn theo cam kết của các cổ đông, "tình trạng phá sản" của WonderBuy chỉ được làm rõ khi công ty này bổ sung đầy đủ các hồ sơ gửi tòa. Có nghĩa là các chủ nợ, dù muốn dù không, vẫn phải đợi câu trả lời của tòa trước khi có động thái tiếp theo với các khoản nợ hứa hẹn không dễ đòi đủ.

Hồng Kỹ