1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Chợ USD” vỉa hè hoạt động sôi nổi

Hoạt động mua bán ngoại tệ tại các cửa hàng, điểm thu đổi ngừng mọi giao dịch thì đây lại là cơ hội làm ăn cho những đối tượng mua bán ngoại tệ vỉa hè.

Mua rẻ, bán đắt…

“Chợ USD” vỉa hè hoạt động sôi nổi  - 1
Cận cảnh một cuộc giao dịch USD của dân buôn tiền với khách hàng.
 
Đến khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, đầu phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), chợ USD tại đây vẫn hoạt động với những giao dịch khá sôi nổi.

Có mặt tại khu vực này vào buổi sáng ngày 15/3, những con buôn ngoại tệ tụ tập ngay tại quán nước ngay đầu phố Đinh Lễ. Không mời chào một cách công khai như trước đây, các con buôn vẫn hoạt động bằng cách quan sát các đối tượng qua đường.

Một số đối tượng đến giao dịch là khách “ruột” của các con buôn, một số khác là khách mới, tuy nhiên đối với những khách hàng mới những con buôn sẽ nhìn một lượt từ đầu đến chân để… thẩm định độ tin cậy.

Việc giao dịch vẫn diễn ra khá công khai, ngay trên vỉa hè, tuy nhiên những dân buôn tiền có độ cảnh giác hơn khi cắt cử người đứng quan sát và canh giữ, đặc biệt từ sau vụ các cơ quan chức năng bắt quả tang vụ giao dịch trái phép gần 400.000 USD.

“Mức giá niêm yết” được dân buôn ở đây đưa ra khá cao với giá bán ra là 22.400 đồng và mua vào dao động trong khoảng từ 20.900 đồng đến 21.000 đồng, tùy vào sự khéo léo mặc cả của từng khách hàng giao dịch.

… nhưng vẫn đông khách

Cận cảnh một cuộc giao dịch USD và Euro tại đây, chúng tôi thấy khi trao đổi với khách hàng đến bán ngoại tệ, một con buôn ở đây ra giá 20.800 đồng. Sau một hồi cò kè, mức giá được đưa lên 20.900 đồng.

Khi kiểm tiền, người phụ nữ buôn ngoại tệ còn chê ỏng, chê eo và đề nghị khách hàng “kỷ niệm” cho 2 tờ tiền cũ. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý thì con buôn này cằn nhằn: “Gớm có mỗi 2 tờ này, đáng bao nhiêu tiền đâu mà em phải tính toán làm gì. Chẳng qua bọn em chả bán được cho ai nữa nên mới ra chỗ bọn chị, giờ em mang đi chỗ khác cho thêm tiền họ cũng không dám mua”.

Hỏi chuyện người khách này, chúng tôi được biết, suốt buổi sáng nay, anh chạy khắp các cửa hàng, điểm thu đổi để bán số ngoại tệ này nhưng hầu hết các điểm thu đổi đều lắc đầu và họ mách là ra đây để bán.

Đếm tiền và giao dịch ngay tại quán nước, người phụ nữ hành nghề buôn tiền cho biết: “Kể ra mà em có nhiều thì chị cũng mua cho em giá 21.000 đồng nhưng toàn đô lẻ thế này nên chỉ được mức cao nhất là giá đấy thôi”.

Trước khi vị khách này dắt xe ra về, người bán ngoại tệ còn nói với theo: “Lần sau có USD thì lại ra chỗ chị nhé, mua bán thuận tiện mà giá cả thì phải chăng”.

Sau đó không lâu lại diễn ra một cuộc giao dịch khác, khách đỗ xe hỏi nhỏ việc mua USD, nghe xong một dân buôn tiền cho biết: “Mua bao nhiêu cũng có”. Tuy nhiên nếu mua nhiều quá thì phải chờ khoảng nửa tiếng vì chị không mang nhiều đô theo. “Mang nhiều quá lỡ bị công an bắt thì mất hết à”, chị này giải thích với khách.

Trong lúc ngồi chờ một dân buôn đi lấy USD để tiến hành giao dịch, một khách hàng mua ngoại tệ kể chuyện với chủ quán nước rằng anh mua ngoại tệ để đi công tác nước ngoài. “Đến ngân hàng mua nhưng số lượng cũng chỉ có hạn, do đó anh muốn mua thêm để mua sắm đồ cho gia đình”.

Ngoài mua bán USD và các ngoại tệ khác một cách tự do, những dân buôn ở đây còn tiến hành giao dịch mua bán cả vàng miếng và vàng trang sức.

Mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng cần các giấy tờ gì?

Theo quy định quản lý ngoại hối hiện nay, công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng với những mục đích sau: Đi học, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; cấp, chuyển tiền thừa kế cho người thân hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.

Khi đến ngân hàng khách hàng sẽ phải viết giấy đề nghị bán và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho cá nhân, theo mẫu của Ngân hàng, đồng thời cung cấp các loại giấy tờ chứng minh mục đích. Theo đó, tuỳ vào mục đích mua ngoại tệ mà quý khách hàng cần có những chứng từ liên quan, chi tiết.

Cụ thể, cán bộ của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước mua ngoại tệ đi công tác hoặc học tập ở nước ngoài phải xuất trình quyết định cử người đi công tác của cơ quan chủ quản và dự toán kinh phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nếu khách mua để phục vụ việc đi du học và đi du lịch thì phải mang theo visa, hộ chiếu, vé máy bay để chứng minh mục đích.

Đối với khách có nhu cầu mua USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, thì cần có giấy tiếp nhận khám chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh nước ngoài hoặc giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh trong nước; giấy thông báo chi phí hoặc dự tính chi phí của cơ sở chữa bệnh nước ngoài; bản sao hộ chiếu của người bệnh.

Nếu khách có nhu cầu bán ngoại tệ thì hiện các ngân hàng đều không đòi hỏi chứng minh nguồn gốc ngoại tệ nên khách hàng không phải xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào.

 
Theo Ngọc Tuyên