1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Chiếc bẫy” giá USD?

Bất ngờ tăng giá mạnh đạt 16.300 VND/USD, rồi tỷ giá lại nhanh chóng trở về ngưỡng 16.000 VND/USD. Đâu là những nguyên nhân khiến USD giựt lên giựt xuống chóng vánh như vậy?

Chỉ trong hai ngày cuối tuần, tỷ giá tăng gần 500 VND/USD so với một tuần trước đó. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank, Eximbank và các ngân hàng khác trong ngày 30/3 đứng ở mức 16.112 VND/USD.

Tuy nhiên, các giao dịch mua bán ngoại tệ hiện nay của ngân hàng được phép giao dịch thoả thuận do tổng giám đốc ngân hàng quyết định nên trong chiều ngày 28/3 tại thời điểm giá USD đang nóng sốt, nhiều ngân hàng sợ “cháy” hàng đã chào mua với giá 16.300 VND/USD, còn giá bán ra được “hét” 16.450 VND/USD.

Cầu ngoại tệ có thực sự tăng?

Sở dĩ, các ngân hàng phải mua bán ngoại tệ giá cao, theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongA Bank, do khi tỷ giá bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp hạn chế bán USD, cho dù các ngân hàng đã bỏ hết khoản phí mua ngoại tệ như trước. Vì họ muốn nghe ngóng tình hình chờ giá cao mới bán ra.

Ngày 25/3 ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo ngân hàng mua vào ngoại tệ hỗ trợ nhà xuất khẩu đã phần nào tác động tích cực lên tỷ giá. Dựa trên tỷ lệ cân đối mua - bán ngoại tệ của các nhà xuất nhập khẩu, ngân hàng Nhà nước sẽ là người mua cuối cùng phần ngoại tệ dôi ra cho ngân hàng. Cung - cầu ngoại tệ tại ngân hàng từ đó được phần nào khai thông.

Thế nhưng, khi cán cân cung - cầu vừa được điều chỉnh, lượng USD chảy vào ngân hàng bị hạn chế do nhà xuất khẩu ngừng bán. Người mua và người bán không gặp nhau khiến cung ngoại tệ từ đó khan hiếm dần, trong khi cầu có dấu hiệu tăng nhẹ. Các tiệm vàng trên thị trường tự do cũng tranh thủ gom hàng chờ giá lên bán lại.

Một nguồn tin cho biết, sở dĩ tỷ giá phục hồi mạnh là do quỹ đầu tư nước ngoài mua USD. Tuy nhiên, họ mua vào không phải để rút vốn khỏi thị trường Việt Nam mà tránh sự sụt giảm lãi suất tiền đồng theo thoả thuận của các ngân hàng trong ngày 24.3, xuống còn 10,5 - 11%/năm.

Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nước ngoài nhiều năm hoạt động tại Việt Nam thừa nhận, giữa tháng 2.2008 diễn biến chứng khoán Việt Nam không mấy sáng sủa và kéo dài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn phương án gửi tiết kiệm khoản tiền đồng đã chuyển đổi để hưởng lãi suất cao (12%/năm), ngưng giải ngân vào chứng khoán.

Hiện lãi suất tiền đồng bắt đầu hạ nhiệt, lãi suất USD tăng và tỷ giá có dấu hiệu phục hồi nên nhà đầu tư chuyển hướng mua USD.

Mặt khác, đây cũng là giai đoạn các quỹ đầu tư bắt đầu rà soát lại các khoản mục kinh doanh để chuyển một phần lợi nhuận về nước nên cầu USD tăng.

Bớt nóng

Thế nhưng, theo giám đốc một ngân quốc doanh đó chỉ là tác nhân nhỏ, nguyên nhân đẩy đồng USD tăng cao so với VND vừa qua chính là yếu tố tâm lý. Người mua không gặp được người bán, tạo áp lực cung - cầu trên thị trường ngoại tệ. Sáng ngày 30.3 đồng USD trên thị trường tự do chỉ còn 16.083 -16.180 VND/USD, giảm khoảng 100 VND/USD so với một ngày trước đó.

Cung - cầu ngoại tệ trở về trạng thái bình thường. Thậm chí, người đến bán USD tại các quầy thu đổi ngoại tại khu vực quận 1, TPHCM còn nhiều hơn người hỏi mua. Ông Trần Phương Bình cũng cho hay, nguồn ngoại tệ từ các tiệm vàng chuyển vào ngân hàng gia tăng. Nhiều chủ tiệm vàng chào giá USD cho DongA Bank chỉ ở mức 16.200 VND/USD.

“Tỷ giá thực sự đã tăng và nhanh chóng trở về ngưỡng 16.000 VND/USD. Tuy nhiên, cung - cầu trên thị trường vẫn ổn định, chưa có đột biến. Ngân hàng cung ứng đủ ngoại tệ cho khách hàng”, ông Bình nói.

Theo giám đốc khối ngân quỹ của một ngân hàng tại TPHCM, tâm lý của người dân Việt Nam vẫn chưa thể loại bỏ được xu hướng phong trào nên khi các thông tin cho biết USD có dấu hiệu phục hồi, người dân đã đổ xô đi mua. Từ đó, tạo ra cú sốt cho thị trường ngoại tệ dẫn đến giá USD lên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không thận trọng thì nguy cơ gặp rủi ro cao.

Thanh Trần