1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chi tiêu Tết thế nào là đủ?

Trúc Ly

(Dân trí) - Dù là Tết hay bất kỳ ngày lễ nào trong năm, mọi người nên chi tiêu theo kế hoạch, tránh tình trạng vung tay quá trán.

"Năm nào cũng Tết mà tại sao vẫn cứ vội vàng, mua sắm mãi không thấy đủ vậy mọi người?" là câu hỏi nhận về gần 700 bình luận trên một nhóm kín của hội chị em.

Phía dưới bài đăng, nhiều người để lại bình luận đồng cảm với chủ nhân bài viết rằng cứ 365 ngày lại đến Tết thế nhưng người người, nhà nhà vẫn không giấu được cảm xúc vội vàng. Vội vàng trong tâm thế dẫn tới vội vàng trong cách chi tiêu.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Chung Vũ Thanh Uyên - đại sứ nền tảng cộng đồng chuyên về tài chính và sự nghiệp - cho rằng không riêng ngày Tết, mỗi năm đều có các ngày lễ khác nhưng tâm thế mọi người đều khá giống nhau, ai ai cũng háo hức tới các dịp lễ, đặc biệt là Tết. 

Chi tiêu Tết thế nào là đủ? - 1

Nhiều người chi tiêu vượt quá ngân sách khi Tết đến (Ảnh: An Chi).

Tâm lý này một phần đến từ việc mọi người sẽ được nghỉ dài ngày, có nhiều năng lượng tích cực vì hào hứng khi được gặp gỡ người thân, bạn bè. Do đó, đa phần mọi người đều có tâm lý "xả láng" một chút, xả láng mua sắm, xả láng ăn uống, xả láng ngủ nghỉ. 

"Bằng chứng cho việc mọi người xả láng là tháng cuối năm, đường sá đông hơn khá nhiều, bất kể là thứ 2 hay thứ 7. Việc mọi người ra đường nhiều hơn chắc chắn phần nào ảnh hưởng đến cách chi tiêu", chị Uyên nói.

Theo chị, nếu chi tiêu không có kế hoạch, mọi người sẽ rơi vào tình trạng vung tay quá trán. Do vậy, càng cuối năm, dịp Tết đến, mọi người càng cần có kế hoạch chi tiêu cụ thể.

Chị Uyên cho rằng nếu tháng cuối năm chi tiêu quá đà, mọi người có thể gặp tình trạng nợ nần vào ngay đầu năm sau. Việc này gây ra không ít hệ lụy. Khi mắc nợ vào đầu năm mới, tinh thần đi xuống, cảm giác lo lắng sẽ ảnh hưởng tới những kế hoạch và công việc của năm sau.

Vậy tiêu Tết thế nào là đủ? Theo chị, việc tiêu Tết phụ thuộc vào cách mỗi người phân bổ số tiền của mình theo từng tháng, từng năm như thế nào. Cụ thể, nếu mỗi tháng bạn để ra 20% thu nhập để tiết kiệm, 80% thu nhập để chi tiêu, bạn nên tính toán trong 80% đó, bao nhiêu % bạn dùng để chi tiêu những thứ bạn muốn, bao nhiêu % dùng để chi tiêu những thứ bạn cần.

Không có công thức chung cho việc đâu là thứ bạn muốn, đâu là thứ bạn cần bởi mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Chị Uyên đưa ra ví dụ theo chị, khoản tiền biếu Tết bố mẹ là khoản chi tiêu bạn muốn. Bởi, nếu bạn không thể biếu bố mẹ trong tháng này, bạn có thể bù vào thời gian sau.

Chị Uyên cho rằng những chi phí bắt buộc như tiền điện, nước, xăng xe, điện thoại, tiền ăn hàng ngày... là chi phí bạn cần bởi bạn không thể trì hoãn việc chi tiêu cho những khoản trên.

Tiếp theo, trong tháng Tết, hãy cân nhắc đâu là khoản chi bạn muốn, đâu là khoản chi bạn cần, từ đó áp vào ngân sách có sẵn từ trước. Có thể, trong tháng Tết, bạn được phép tiêu vượt kế hoạch, khoản vượt kế hoạch đó nên nằm trong phần tiết kiệm ngắn hạn (khoản tiết kiệm gồm 3 đến 6 tháng lương). Ngay sau khi tiêu "lậm" vào phần này, đừng quên bổ sung ngay sau đó. 

Cuối cùng, chị Uyên cho rằng Tết hay bất kỳ ngày lễ nào khác trong năm, dù tâm lý vội vàng, háo hức đến đâu, đừng quên chi tiêu có kế hoạch. Bởi lẽ, Tết rồi cũng qua đi, nếu bạn chi tiêu quá ngân sách, khi đó, khoản nợ sẽ ở lại. Dù nợ người thân, bạn bè hay thẻ tín dụng, tất cả đều vô hình tạo nên áp lực cho chính bạn vào những ngày đầu năm mới.

Tiêu Tết bao nhiêu cho đủ phụ thuộc vào ngân sách và những gì bạn đã lên kế hoạch cho bản thân. Không có con số cụ thể nào cho việc nên tiêu Tết bao nhiêu, tất cả nằm ở thu nhập và kế hoạch chi tiêu của chính bạn.