1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Châu Á “giật mình” vì giá lương thực

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng hát triển Á Châu (ADB), Ifzal Ali, cho rằng diễn biến giá lương thực trong năm 2007 là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với tình trạng xao nhãng phát triển nông nghiệp ở châu Á.

Nhiều năm qua, người dân ở khu làng xa xôi Pallantikang trên đảo Sulawesi của Indonesia hoàn toàn phó thác việc tiêu thụ nông sản cho các “đầu nậu”; do đó họ ngày càng xa lạ với diễn biến giá và nhu cầu thực tế trên thị trường.

 

Tuy nhiên, gần đây, nhiều người trong số họ đã bắt đầu bán hàng trực tiếp cho các hộ kinh doanh bán lẻ, và thu nhập của họ từ gạo và sắn tăng 80%, còn từ ngô tăng 40%.

 

Kết quả trên những tưởng sẽ khuyến khích nông dân ở đây mở rộng diện tích lúa màu và tăng năng suất. Tuy nhiên, thực tế ngược lại. Sản lượng nông sản của Indonesia liên tục giảm trong 2 thập niên qua.

 

Từ lâu, chính phủ các nước châu Á đã tập trung phát triển những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao, như chế tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng, mà giảm ưu tiên phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lương thực có chiều hướng tăng do sự phát triển dân số. Việc này phần nào đã đẩy giá các loại lương thực thiết yếu, như gạo và đậu nành, tăng mạnh.

 

Thêm vào đó, chi tiêu chính phủ dành cho nông nghiệp ở khu vực châu Á thường không được sử dụng đúng mục đích, khi chính phủ các nước tránh những bất ổn xã hội bằng cách kìm giữ giá lương thực ở mức thấp, một cách giả tạo, thay vì đầu tư tăng năng suất hay mở rộng diện tích canh tác. Năm ngoái, hơn 40% chi tiêu nông nghiệp của Indonesia ở dưới dạng trợ cấp, trong đó, chỉ riêng kinh phí hỗ trợ giống cây cao đã gấp đôi ngân sách dành cho nghiên cứu nông nghiệp.

 

Ưu tiên phát triển nông nghiệp ở châu Á hiện suy giảm đáng kể. Tình trạng xao nhãng phát triển nông nghiệp thực sự đáng lo ngại, vì gần 2/3, khoảng 61 triệu, người nghèo nhất thế giới tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó người nghèo nông thôn chiếm 70%.

 

Theo bản báo cáo gần đây của Ủy ban kinh tế và xã hội Liên hợp quốc về châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), chính sách nông nghiệp kém khiến khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng.

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong nông nghiệp của khu vực này đã giảm xuống còn 1%/năm trong giai đoạn 2000-2002, so với mức 2,2% của thập niên 1990 và 2,5% của thập niên 80. Nếu năng suất trung bình của khu vực tăng lên bằng mức của Thái Lan thì 218 triệu người có thể ra khỏi diện đói nghèo.

 

Dù đang dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về sản lượng nông nghiệp, nhưng Thái Lan cũng không tránh khỏi các vấn đề về phân phối, và thậm chí cả các hoạt động tội phạm, như khai thác trộm. Tất cả đều gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

 

Bên cạnh đó, chính phủ một số nước Châu Á mới đây đã chỉ đạo việc hạn chế, thậm chí là cấm xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, ADB và Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo rằng những biện pháp này có thể làm gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu bất hợp pháp và giao dịch trên “chợ đen”.

 

Philippines gần đây đã phải nhập khẩu gạo từ Campuchia với giá 700USD/tấn, gần gấp đôi giá thị trường thế giới tháng 12/2007, do đó nước này sẽ phải lực dài hạn và quyết tâm để phục hồi sản lượng nông nghiệp, đi đôi với việc thực hiện các chính sách thương mại tuân theo quy luật thị trường.

 

Ở một số nước khác, như Indonesia, vướng mắc của nông dân lại là khó tiếp cận các khoản tín dụng ngân hàng. Mặc dù các khoản cho vay của các ngân hàng Indonesia trong giai đoạn 2001-2006 tăng 370%, nhưng tỷ lệ dành cho nông dân giảm từ 7% xuống 2%.

 

Chính phủ nhiều nước Châu Á đã cam kết tăng chi cho lĩnh vực nông nghiệp. Tổng thống Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo, tự tin khẳng định sản lượng gạo của nước này trong năm nay sẽ tăng 7%, nhờ khoản hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có từ trước đến nay của chính phủ. Trung Quốc và Ấn Độ cũng cam kết các khoản ngân sách đáng kể để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Ấn Độ dự kiến ngân sách 15 tỷ USD để cấp tín dụng cho nông dân.

Tuy nhiên, không chỉ cần có tiền để giải quyết triệt để vấn đề hiện nay. Ví dụ, thách thức đối với Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ thịt tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua, là thiếu đất canh tác chứ không phải là sản lượng kém.

 

Nguyễn Anh

Theo Financial Times