1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cạnh tranh: Người giỏi hay hàng tốt?

Chúng tôi gặp ông, dự kiến chỉ trao đổi về những trải nghiệm, những suy nghĩ của một người từng là phó tổng giám đốc của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Thế nhưng câu chuyện về cách áp dụng hình thức quản lý hiện đại vào một công ty Việt Nam của ông tổng giám đốc đã cuốn hút chúng tôi.

Hiện nay, những người có ý thức bảo vệ hàng Việt Nam đã nói đến những hàng rào mới bảo vệ khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Đó là hàng rào ý thức tự giác sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng, cũng như sự liên kết tự nguyện trở thành khách hàng lẫn nhau của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này

Việc hội nhập của chúng ta lúc này đồng nghĩa với việc tham gia thị trường thế giới với luật chơi do người ta đặt ra từ lâu. Mình là người vào chơi sau thì chỉ có một cách là chấp nhận, chứ không thể đặt ra những luật mới được.

Do vậy, mình phải thay đổi cách nghĩ, cách làm phù hợp với người ta, chứ không thể buộc người ta chơi theo luật của mình. Việc xây dựng hàng rào ý thức của người tiêu dùng sẽ không làm được khi hàng hoá của chính doanh nghiệp Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng, chưa thoả mãn nhu cầu của họ.

Đối với quan hệ giữa các doanh nghiệp, mối liên kết tự nguyện này tôi cho rằng có thể xây dựng được trên cơ sở hai bên đều có lợi. Mỗi bên là khách hàng của nhau. Điều này thực ra một số công ty đa quốc gia cũng đã có xây dựng. Chẳng hạn như  nhân viên của tập đoàn A đi xe hơi loại gì, ở khách sạn nào… đều do công ty mẹ chỉ định.

Đã từng làm việc cho một công ty đa quốc gia, ông có thể nói những ưu điểm của họ về kinh nghiệm quản lý so với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Điều trước tiên là họ có những kế hoạch dài hạn, những chiến lược với tầm nhìn bao quát. Lộ trình kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường của họ được hoạch định trước cả thập niên. Từ lộ trình đó, họ vạch ra những chương trình chi tiết: giai đoạn nào phải chịu lỗ, giai đoạn nào hoà vốn, lúc ấy sẽ chiếm được bao nhiêu phần trăm thị phần, cũng như xác định đối thủ là ai…

Bên cạnh đó là những kế hoạch cho từng ba năm một, và được điều chỉnh hàng năm.

Xin hỏi một câu cắc cớ: trong thời gian làm phó tổng giám đốc ở Pepsi, chắc ông không coi Tribeco ra gì?

(Ông chỉ cười mà  không trả lời thẳng vào câu hỏi) Mình học được ở bên kia nhiều, nhiều lắm.

Và để chứng minh cho điều mình nói, ông mở máy tính xách tay giới thiệu với chúng tôi cách quản lý mà ông đang áp dụng tại Tribeco qua những bảng biểu, chương trình phần mềm hiện đại nhất. Nhờ đó, cứ mỗi đầu buổi sáng ông đã có được doanh số bán hàng của từng điểm bán trên toàn quốc, mức tăng - giảm so với trước của từng mặt hàng, so với kế hoạch; cũng như ông có thể theo dõi được lao động của từng người trong công ty.

Hiệu quả của công việc không chỉ ở cách quản lý mà còn ở con người. Khi về lãnh đạo Tribeco, ông có gặp khó khăn về con người?

Đây là điều không thể tránh khỏi, nhưng rất mừng là những người phải ra đi do không phù hợp với cách quản lý hiện đại là rất ít. Phần đông họ có thể tự thích ứng với cung cách làm việc mới.

Cạnh tranh trong kinh doanh, theo tôi không chỉ trên thị trường mà cả ở con người. Cùng một mặt hàng, nhưng nhân viên của các công ty đa quốc gia giỏi hơn thì họ bán được nhiều hàng hơn. Cạnh tranh là vậy chứ không phải cứ sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn mới bán được nhiều hàng.

Nhưng khi ông buộc người lao động phải làm việc như các công ty đa quốc gia, liệu lợi nhuận có đủ để trả cho họ thu nhập tương xứng?

Dù sao thì công việc ở đây cũng không căng thẳng bằng ở các công ty đa quốc gia. Có một số người nghỉ việc ở các công ty đa quốc gia để về làm cho chúng tôi nhằm "chạy trốn" sự căng thẳng. Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp Việt Nam dù có áp dụng cách quản lý hiện đại thì mối quan hệ vẫn nặng về tình cảm nhiều hơn lý trí.

Lương của người lao động trong công ty chúng tôi hiện mỗi năm tăng một lần. Và tổng giám đốc là người toàn quyền quyết định việc tăng lương. Chúng tôi dựa vào kết quả kinh doanh hàng năm và đề ra mức tăng lương chung, như năm nay là 7% chẳng hạn.

Riêng đối với các cán bộ lãnh đạo, họ cũng mô tả công việc và đưa ra mức đề nghị tăng lương. Tôi phải làm việc với từng người để thoả thuận mức tăng lương phù hợp.

Hơn nữa, Tribeco là một công ty cổ phần thật sự, lợi ích của người lao động ở đây hoàn toàn tuỳ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của công ty, đó là động lực tốt để thuyết phục mọi người làm việc hết mình.

Theo SGTT