1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Các tập đoàn tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng lãng phí vốn đầu tư

(Dân trí) - Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa gửi tới Quốc hội nêu nhiều con số thống kê “bắt mắt” về kết quả tiết kiệm của các tập đoàn, DNNN. Nhưng nội dung chống lãng phí dường như nhận điểm trừ.

Vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho biết, trong 5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đã triển khai, thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, báo cáo nêu rõ.
 
Các tập đoàn tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng lãng phí vốn đầu tư
5 năm, 12 tập đoàn, TCty nhà nước tiết kiệm được 9.600 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh.

Báo cáo dẫn chứng những con số thống kê của 12 tập đoàn, tổng công ty 91, trong 5 năm đã tiết kiệm được gần 14.000 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư xây dựng. Trong đó tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh là 9.600 tỷ đồng và tiết kiệm trong đầu tư xây dựng trên 4.000 tỷ đồng.

Số liệu tính đến ngày 15/9/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm được 5.900 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam... đều ở mức trên 2.000 tỷ đồng.

Trong năm 2011 các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 39.000 tỷ đồng.

Về giải pháp, Chính phủ khẳng định đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tăng cường thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, phát hiện xử lý và cảnh báo về việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính và khả năng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vốn của các DNNN, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, thực tế trong thời gian qua cho thấy hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp còn thấp, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất vốn, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư, mua sắm tài sản; đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính còn lớn...

P.Thảo