1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đầu tư vào ngành thép tại Việt Nam:

Các tập đoàn hàng đầu thế giới vào cuộc

Nhìn vào tốc độ đầu tư và những dự án đang xúc tiến trong thời gian gần đây, có thể dự báo một xu hướng mới về đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI). Đã có người mạnh dạn nhận định đang diễn ra “làn sóng đầu tư thứ hai” vào Việt Nam và điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào các dự án đầu tư ngành thép.

Cạnh tranh quyết liệt

 

Đối với ngành thép, các dự án đầu tư của các tập đoàn thép hàng đầu thế giới, với quy mô lớn, đang diễn ra khá sôi động.

 

Việc Chính phủ cấp phép cho tập đoàn Tycool Worldwide Steel đầu tư 1 tỷ USD vào dự án sản xuất phôi thép có công suất 5 triệu tấn/năm đã làm “chấn động” các dự án khác đang triển khai trong ngành thép.

 

Dự án này được đầu tư trong 10 năm. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà máy luyện phôi thép công suất 3 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 539 triệu USD. Giai đoạn 2 nâng công suất lên 5 triệu tấn phôi/năm, được xây dựng trong vòng 7 năm trên diện tích 455 ha.

 

Lượng phôi thép này chủ yếu dùng trong nhu cầu cán thép tấm, thép lá. Dự án này giúp điều chỉnh lại năng lực hiện nay của ngành thép bởi các mặt hàng thép cán nóng, chủ yếu là thép xây dựng (thép cây) đã dư công suất, trong khi năng lực sản xuất phôi chưa đáng bao nhiêu.

 

Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên các cơn sốt thép xây dựng, khi giá phôi thép tăng, giảm, trồi sụt trong thời gian qua.

 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, mấy năm vừa qua ngành thép đầu tư bị lệch về chủng loại sản phẩm. Trong đó, sản phẩm thép xây dựng là sản phẩm cuối nên được nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khâu cán kéo, đưa năng lực lên trên 2 triệu tấn/năm, vượt khả năng xây dựng hiện nay.

 

Chính tình trạng cung vượt cầu này đã khiến cho nhiều lúc giá thép xây dựng tăng giảm không theo quy luật thị trường. Trong khi đó, trong nước chưa có các dự án sản xuất phôi thép đáp ứng yêu cầu, chưa có công nghệ luyện phôi, đúc… đảm bảo đáp ứng phát triển ngành cơ khí.

 

Thế nhưng, ngành thép còn nóng lên hơn nữa, khi một loạt dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài vừa được công bố. Tập đoàn Fosco (Hàn Quốc), tập đoàn thép lớn thứ 4 trên thế giới, sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho dự án thép cán nóng và cán nguội, với sản lượng 3 triệu tấn thép tấm/năm.

 

Theo dự án đang được trình duyệt, dự án này sẽ được tiến hành theo hai bước. Giai đoạn đầu, trị giá đầu tư khoảng 340 triệu USD, giai đoạn 2 khoảng 660 triệu USD. Công ty Sunsteel (Đài Loan) cũng đang đề nghị được đầu tư xây dựng dự án liên hợp thép tại Thạch Khê (Hà Tĩnh) với số vốn 1,9 tỷ USD, sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn thép tấm/năm.

 

Song song với các dự án này, Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đang bàn với một đối tác Ấn Độ (tập đoàn Essar) để hình thành liên doanh thép cán nguội có công suất 2 triệu tấn thép tấm/năm, với trị giá đầu tư khoảng 500 triệu USD…

 

Dự kiến, nhà máy này sẽ được đặt tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là dự án mà TCty Thép Việt Nam muốn làm từ lâu, nhưng chậm triển khai do gặp khó khăn về vốn sau khi đầu tư Nhà máy Thép Phú Mỹ. Nhiều người nhận xét, chỉ riêng trong ngành thép, đã có sự cạnh tranh quyết liệt ngay từ trên dự án đầu tư, vì đồng loạt có rất nhiều dự án đầu tư lớn của nước ngoài.

 

Lựa chọn công nghệ tiên tiến

 

Nhu cầu thép tấm ở Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh. Hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu thép tấm khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2010, nhu cầu sẽ vào khoảng 4,7 triệu tấn; năm 2015 cần 7,2 triệu tấn và đến năm 2020 cần 10,2 triệu

 

Năng lực hiện nay trong nước sản xuất thép tấm còn rất nhỏ, chỉ có một nhà máy tại Phú Mỹ mới đi vào hoạt động có công suất 400.000 tấn/năm. Thêm vào đó, năng lực sản xuất phôi cũng rất thấp. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy Việt Nam đang có nhiều cơ hội đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực này.

 

Với nhu cầu cao về thép tấm và thép lá của các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy, chế tạo thiết bị thủy công cho ngành thủy điện, gia công đóng tàu thủy xuất khẩu… chắc chắn các dự án sẽ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng những năm tới đây.

 

Lo ngại các dự án đưa công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu vào Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo, cần có sự thẩm định các dự án đầu tư thép tấm theo năng lực tài chính của nhà đầu tư, lựa chọn các dự án có xuất xứ từ các nước có trình độ công nghệ luyện kim tiên tiến trên thế giới, có thiết bị và công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

 

Theo Văn Minh Hoa

Báo SGGP