1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cá tầm nuôi đang thiếu cơ sở pháp lý

Cơ quan chức năng sẽ làm việc với các địa phương để kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc cá tầm.

Ngày 7/7, báo chí có đưa thông tin phần lớn sản phẩm cá tầm được bày bán ở một số siêu thị phía Bắc là nhập lậu từ Trung Quốc.

 

Metro khẳng định bán cá tầm Việt

 

Trả lời Pháp Luật TP.HCM chiều 8/7, ông Khuất Quang Hưng, Trưởng phòng Ngoại vụ và Truyền thông Metro, khẳng định: Tất cả cá tầm phân phối tại các Metro phía Bắc và trên hệ thống toàn quốc có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam; được Metro mua qua các nhà cung cấp với đầy đủ hồ sơ chứng từ cam kết nguồn gốc…

 

Cụ thể tại phía Bắc, Metro mua cá tầm qua Công ty TNHH Dịch vụ XNK Hà Nội và Công ty Thực phẩm Hiếu Ngân từ Lào Cai, Sơn La, Yên Bái. Còn phía Nam thì mua qua hai nhà cung cấp với cá tầm xuất xứ huyện Di Linh (Lâm Đồng).

 

Sáng 8/7, ghi nhận của chúng tôi tại Siêu thị Metro Thăng Long (Hà Nội) cho thấy cá tầm bán tại đây niêm yết giá 197.000 đồng/kg, xuất xứ Việt Nam. Lô hàng do Công ty CP Cá tầm Phương Bắc (Yên Bái), có văn phòng giao dịch tại Hà Nội (Từ Liêm) cung cấp. Công ty này không có tên trong danh sách Metro đưa ra. Sản phẩm cá tầm được Metro trưng bày trong tủ kính từ ba đến bốn con, có đặc điểm bề ngoài khá giống với cá tầm Việt Nam (giống Nga), nếu khách hàng có nhu cầu mua, siêu thị sẽ làm thủ tục lấy ở kho.

 

Cá tầm nuôi ở Thái Nguyên.
Cá tầm nuôi ở Thái Nguyên.

 

Trong vai khách hàng, phóng viên liên hệ với Công ty Cá tầm Phương Bắc thì được một nam nhân viên kinh doanh tên Chung khẳng định công ty trực tiếp nhập hàng cho Metro, không thông qua nhà phân phối. Anh này còn nói cá tầm của công ty xuất xứ 100% Việt Nam, được nuôi ở Yên Bái.

 

Trong khi đó đại diện đơn vị cung cấp giống cá tầm duy nhất miền Bắc, ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức, lại khẳng định: “Công ty Phương Bắc đã không còn nuôi cá tầm từ lâu và không lấy giống từ chúng tôi”.

 

Còn thiếu cơ sở pháp lý

 

Theo Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, ngoài đối mặt với cá nhập lậu, hiện cá tầm Việt Nam đang nuôi vẫn thiếu cơ sở pháp lý.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết cá tầm Việt Nam đang nuôi không phải là giống bản địa nên phải có thủ tục nuôi thử nghiệm một thời gian mới có giấy phép lưu hành. Trên thế giới có 27 loài cá tầm nhưng trong Quyết định 57/2008 của Bộ NN&PTNT quy định về danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thì chỉ mới cấp phép cho nuôi một loài cá tầm Trung Quốc.

 

“Loài cá này có giá trị kinh tế rất thấp, không hiểu tại sao Bộ Thủy sản trước kia lại tốn hàng chục tỉ đồng để nuôi thử nghiệm và cấp phép cho loại cá đó lưu hành” - ông Dũng nêu quan điểm.

 

Chủ tịch hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hào cho biết hiệp hội đã kiến nghị bằng văn bản đến Tổng cục Thủy sản đề nghị bổ sung thêm danh sách. Và đến nay, mặc dù cá tầm có nguồn gốc từ Nga được nuôi trong nước hơn 10 năm nay nhưng vẫn không có trong danh mục của Quyết định 57.

 

Tăng cường kiểm tra

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Theo quy định thì sản phẩm thủy sản phải có nguy cơ dịch bệnh mới tiến hành kiểm tra. Câu chuyện cá tầm thực tế lại liên quan đến bên Cites (cơ quan quản lý về thương mại quốc tế các loại động vật hoang dã, nguy cấp). Tới đây, Bộ sẽ yêu cầu Cites Việt Nam rà soát quy định này để làm việc với bên hải quan. Việc kiểm tra cá tầm sẽ tập trung vào việc lô cá tầm đó có nguồn gốc và chứng nhận của Cites hay không.

 

“Đối với các trại nuôi cũng phải tăng cường kiểm tra, bắt buộc có giấy nhập khẩu giống hoặc giấy chứng nhận. Câu chuyện cá tầm còn nhiều vấn đề nhưng từng bước cơ quan chức năng sẽ làm việc với các địa phương để kiểm soát cá tầm không rõ nguồn gốc cũng như chất lượng” - bà Thu nói.

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, cho hay: “Đến thời điểm này không có ai, kể cả chuyên gia, bằng cảm quan mà có thể khẳng định được cá tầm bán trên thị trường là cá tầm được nuôi ở trong nước hay nhập từ Trung Quốc. Và theo Luật Thủy sản, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì buộc phải tiêu hủy. Hai tháng qua, Chi cục Hà Nội đã bắt giữ, tiêu hủy hai xe chở 8 tấn cá tầm”.

 

Theo ông Tiệp, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là quản lý từ khâu sản xuất đến chợ đầu mối, còn từ chợ đầu mối đến sạp bán lẻ do Bộ Công Thương quản. Bộ NN&PTNT đang tập hợp các cơ sở nuôi cá nhỏ lẻ lại, sản xuất theo chuỗi để có thể quản lý, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, Cục đề xuất với Bộ công bố thông tin cho người tiêu dùng làm cơ sở lựa chọn sản phẩm an toàn.

 

“Người tiêu dùng khi mua cá tầm nên mua ở những cơ sở đảm bảo, có quy trình cung ứng sản phẩm chặt chẽ. Ngoài ra, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu bên bán cung cấp chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng” - ông Tiệp nói rõ.

 

Phát hiện cá tầm có nhiễm kháng sinh bị cấm

 

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho biết đã phát hiện 1/10 mẫu cá tầm tại thị trường Hà Nội có nhiễm chất kháng sinh Leuco Malachite Green. Đây là chất kháng sinh dùng trị bệnh vi khuẩn, nấm ngoài da của cá đã bị cấm trong nước từ năm 2007.

 

Do cá tầm mới được nuôi ở Việt Nam nên chưa được đưa vào chương trình giám sát trên diện rộng. Tới đây Bộ NN&PTNT sẽ đưa cá tầm vào chương trình giám sát này để quản lý chất lượng. Việc kiểm tra chất tăng trọng chưa thực hiện vì tỉ lệ sử dụng chất tăng trọng trên cá nuôi không cao.

 

Theo Trà Phương - Trọng Phú

Pháp Luật TPHCM