1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bong bóng đất phía tây Hà Nội xì hơi

Trong khi tại nghị trường Quốc hội nóng bỏng chuyện đất đai, thì tại Ba Vì, Quốc Oai, Thường Tín, Mê Linh các giao dịch hiện tại đã bị đóng băng, giá nhà đất đã tụt xuống thảm hại.

Bong bóng đất phía tây Hà Nội xì hơi  - 1
Bảng quảng cáo bán đất ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh.

Một sào đất (360 m2) bán được 500 triệu đồng, chỉ vài ngày “lướt sóng” đã tăng lên 800 triệu, rồi 1 tỉ đồng… nhưng sau khi Chính phủ có báo cáo về tình hình bất động sản phía tây Hà Nội và công bố kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành đi qua năm huyện thị của TP Hà Nội thì tình hình đã khác.

Vỡ mộng ở chân núi Tản

Trưa hôm qua 3.6, chúng tôi có mặt tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, nơi đây mấy ngày trước đã diễn ra những cơn sốt đất đến nóng bỏng. Chúng tôi đến thẳng nhà cò Hảo, một tay buôn bất động sản mệnh danh trùm đất ở huyện Ba Vì nhờ anh ta tìm cho vài lô đẹp để “lướt sóng đầu tư”.

Nhìn thấy chúng tôi đi với người cùng xã, cò Hảo lắc đầu ái ngại, xua tay: “Các ông về đi, đừng ham hố gì nữa, không xem tivi, đọc báo mạng à. Các ông thích lướt sóng thì về Hạ Long, Cát Bà mà lướt, trên này vỡ rồi!”

Trùm đất Hảo cho biết, cách đây mấy ngày, anh ta trúng đậm vì một tuần môi giới bán được bốn lô đất nông nghiệp và cả đất lâm nghiệp cho cánh đầu tư ở nội thành. Mỗi thương vụ Hảo ẵm được chừng 200 triệu. Từ sáng ngày 1/6, Chính phủ có báo cáo về tình hình bất động sản phía tây Hà Nội, nêu đích danh Ba Vì là nơi sốt do tình trạng thổi giá.

Các chủ đầu tư hôm trước nhờ Hảo mua đất đã tới tấp điện thoại nhờ Hảo bán hộ ngay. “Tôi chờ cả ngày hôm qua đến ngày hôm nay, chả ma nào ngó đến, có chủ đầu tư còn khóc với tôi qua điện thoại, nhờ tôi bán hoà vốn. Tôi cũng chịu không bán được”.

Rời nhà Hảo, chúng tôi lên xe đi về phía Suối Hai, dọc đường đi xe chúng tôi bị chặn không dưới năm lần bởi những cò đất gạ bán lại những miếng đất mà các chủ đầu tư khác đã lỡ mua.

Nguyễn Mai H. (xin được giấu tên), nhà ở Cầu Giấy, chủ đầu tư hai lô đất nông nghiệp, mỗi thửa rộng chừng 1.200 m2 khẩn khoản nói với chúng tôi, nếu thiện chí H. sẽ bán lỗ 200 triệu mỗi thửa cho chúng tôi mà giá mỗi thửa H. đã mua tới ngót 3 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại khu vực xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, nơi trong đồ án quy hoạch thủ đô tầm nhìn 2050 có nêu là đô thị lõi, giá đất còn được thổi lên tăng 100% trong những ngày sốt đất vừa qua. Qua đường cao tốc Nội Bài - Hà Nội vào sâu chừng 2 km, chúng tôi ngỡ ngàng thấy tấm biển đỏ rực của nhà đầu tư bất động sản chào bán được ghi bằng những câu thơ theo kiểu Bút Tre, có cái tít khá ấn tượng: “Đất định cư” (ảnh).

Nguyễn Đàm, nông dân ngụ tại thôn Do Nhân, xã Tiền Phong cho hay, giá đất ở đây chỉ 10 - 12 triệu đồng/m2 đất mặt đường nhưng sau khi có “quy hoạch tầm nhìn thủ đô” ra đời thì bỗng nhảy vọt lên 24 - 26 triệu đồng/m2. “Mấy ngày trước, ô tô của các bác vào làng thì không vào nổi đâu vì kẹt xe của khách mua đất”, Đàm nói.

Thổi giá

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường cho hay huyện đã có chỉ đạo các xã tiếp giáp với cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài kiểm soát chặt chẽ các vấn đề chuyển đổi mục đích đất ở, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định có tình trạng mua bán đất trao tay không qua chính quyền địa phương.

“Giá đất trên địa bàn vừa qua là do các nhà môi giới đẩy giá lên, chứ giá trị thực thì chưa đến mức cao như vậy”, ông Trường khẳng định. Theo báo cáo của UBND các xã gửi lên, những đối tượng mua đến làm thủ tục tại địa phương thì rất ít và hầu như chưa có trường hợp nào xin giấy phép xây dựng. “Chứng tỏ, nhu cầu mua đất để làm nhà ở là chưa có mà đầu cơ đất để lấy lãi thì nhiều”, ông Trường nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định tin sốt đất Ba Vì chỉ là do cò thổi giá và cò được lợi nhiều nhất trong các thương vụ sốt đất những ngày qua.

Ông Hải cũng cho hay hiện tại thị trường đất Ba Vì đã chững lại, chỉ có người bán mà không có người mua. “Việc giá đất trên địa bàn Ba Vì liên tục bị đẩy lên cao là do giới đầu tư và một số người dân nghe thông tin về quy hoạch trục đường Thăng Long để thổi giá, còn thực tế giao dịch chỉ tăng khoảng 20%”, ông Hải cho biết.

Trao đổi với báo chí, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm nhận định, chuyện sốt đất đai chỉ tạm dừng khi có thông tin chính thức về việc cơ quan quản lý nhà nước khẳng định những khu vực trong đồ án quy hoạch thủ đô vẫn đang trong quá trình thảo luận, chưa có quyết định chính thức về địa điểm dời trung tâm hành chính quốc gia.

Ông Liêm nhận định cơn sốt vừa qua là do các nhà đầu tư tự đẩy giá để bán đất mình đã mua và cho rằng, với vùng Ba Vì, trong trước mắt cũng như cả chục năm tới đô thị cũng sẽ chưa phát triển đến mức đất có thể tăng giá như vậy.

Ông Liêm nhận xét, do các chủ đầu tư mua bán bất động sản vừa qua tại các khu vực này chủ yếu qua môi giới viết tay với người nông dân, tới đây muốn hợp thức hoá làm đất ở hay sử dụng vào mục đích khác cũng phải đối mặt với một loạt thủ tục chặt chẽ do Chính phủ đã quy định nhằm siết chặt thị trường bất động sản Hà Nội.

Theo Hữu Lực
Báo SGTT