1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM:

"Bom bẩn" cạnh tranh qua internet: Chế tài chưa đủ mạnh

(Dân trí) - Các chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh bằng cách nói xấu đối thủ qua mạng vừa khó quản lý, chế tài xử lý cũng như "muối bỏ bể".

Trong văn hóa kinh doanh, cạnh tranh là điều tất yếu nhưng việc sử dụng kênh thông tin mạng để nói xấu nhau trên blog, diễn đàn đang là một phương pháp không mất nhiều chi phí nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn.

Để mở đường cho doanh nghiệp tìm hiểu và có biện pháp đối phó “giặc mạng”, ngày 5/8 vừa qua, tại TPHCM tạp chí Doanh nhân & Pháp luật đã tổ chức buổi tọa đàm “Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn”.

Với hơn 29 triệu người sử dụng, chiếm 33,75% dân số nước ta, mạng Internet đang dần chiếm lĩnh thông tin truyền thông. Đây là miền đất hứa để các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, PR thương hiệu. Mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường. Một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã dùng phương pháp này để đăng đàn nói xấu đối thủ. Khi có dấu hiệu bị để ý thì nhanh chóng “ném đá dấu tay”, hoặc gửi một lời xin lỗi, hoặc chấp nhận nộp một khoảng phạt như muối bỏ biển.
"Bom bẩn" cạnh tranh qua internet: Chế tài chưa đủ mạnh - 1
"Giặc mạng" đang làm khổ các doanh nghiệp, người nổi tiếng... và làm đau đầu cơ quan quản lý

Việc các doanh nghiệp biết sai vẫn nhắm mắt làm liều để đạt được mục đích cuối cùng đang có xu hướng lây lan một cách đáng báo động. Điển hình trong đó là vụ ô tô Phạm Gia kiện diễn đàn otosaigon vì hành vi “nói xấu” mình .

Ông Phạm Trường Sơn, phó TGĐ công ty THHH Cơ khí Ô tô Phạm Gia bức xúc nêu lên những khó khăn mà công ty ông gặp phải khi trở thành nạn nhân của trào lưu này. Sụt giảm hơn 35% doanh thu sau khi bị diễn đàn otosaigon nói xấu trên mạng và cho đến hiện tại “vết thương” vẫn chưa lành. Trong khi đó, Công ty ôtô Xuyên Việt, chủ quản diễn đàn otosaigon chỉ bị xử phạt 25 triệu đồng, số tiền phạt chưa đủ “gãi ngứa”.

Vai trò của pháp luật trong việc hạn chế, ngăn chặn hành vi kinh doanh “bẩn” này cũng còn rất hạn chế. Theo ông Hoàng Kim Chiến - Phó vụ trưởng Bộ Tư pháp - phụ trách cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại phía Nam, các mức phạt hành chính trong Nghị định 63, Nghị định 28, thông tư 07 của chính phủ đã không còn hợp thời. Cho dù bị mức phạt cao nhất, 100 triệu đồng thì cũng “không nghĩa lý gì”. Chính điều này tạo điều kiện cho không ít doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh nở rộ “chiêu thức” bêu xấu đối thủ trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, giữa doanh nghiệp với các cơ quan bảo vệ doanh nghiệp như Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM vẫn còn một độ “chênh” nhất định. Hệ quả là tình trạng gõ sai cửa thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho cả hai phía. Hơn nữa việc tố tụng qua nhiều cửa, thời gian chờ đợi lâu đã khiến doanh nghiệp lựa chọn biện pháp thỏa thuận miệng, xin lỗi nhau hoặc bồi thường thiệt hại.

Ông Đào Kim Phú - Trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, hiện có quá nhiều website tự lập, tùy tiện và chưa có sự quản lý. Theo ông Phú, sắp tới sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước để hoạt động thông tin điện tử lành mạnh hơn, kiểm soát những trang mạng đưa các thông tin vô bổ, vì mục đích vụ lợi cá nhân.

Công Quang