1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Huệ đã thực hiện “lời hứa minh bạch” đến đâu?

(Dân trí) - 2 lần tăng giá xăng, 1 lần tăng giá điện do bất khả kháng; nợ công an toàn, trả nợ đầy đủ; đã thanh tra các dự án vay do Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn… - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định đã thực hiện lời hứa trước Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 2, cuối năm 2011, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn về việc công khai hoạt động điều hành giá cả, lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số mặt hàng.

Thực hiện lời hứa trước Quốc hội, sau kỳ họp, Bộ Tài chính đã họp báo công khai kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Đối với mặt hàng điện, Bộ Công thương đã thành lập tổ công tác để kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện thực tế năm 2010 tại Tập đoàn điện lực EVN và một số đơn vị thành viên và họp báo công khai vấn đề này.

Về lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường, với xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính phân trần, từ cuối năm 2011, giá xăng dầu thế giới luôn biến động theo xu hướng tăng. Để giữ bình ổn giá trong dịp Tết, Chính phủ đã xử lý bằng cách sử dụng Quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu. Đến tháng 2, tháng 3, giá thế giới tăng quá cao, tình trạng buôn lậu xăng qua biên giới cũng tăng mạnh trong khi Quỹ bình ổn đã sử dụng hết, thuế đã giảm bằng 0, cơ quan điều hành buộc phải tăng giá bán xăng.
 
Bộ trưởng Huệ đã thực hiện “lời hứa minh bạch” đến đâu?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2. 

Đối với giá điện, tháng 12/2011 cũng điều chỉnh tăng 5%, vẫn chưa tính các chi phí còn “treo” lại của 2010 trở về trước. Giá bán than cho các hộ nhỏ lẻ, từ tháng 8/2011 cũng tăng 9-21%, do giá xuất khẩu tăng tới 45%. Đầu 2012, giá bán than cho các hộ sản xuất lớn (xi măng, giấy, phân bón) cũng tăng 10%. Tuy nhiên, so với giá xuất khẩu, Bộ Tài chính khẳng định cũng chỉ bằng 69-90%. Riêng than bán cho điện vẫn chỉ bằng 24-27% giá xuất khẩu.

Về công tác quản lý nợ công, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện lời hứa trước Quốc hội, sau kỳ họp thứ 2, Bộ đã trình Chính phủ để đề nghị Quốc hội phê duyệt các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của VN đến 2015. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, nợ công đến thời điểm này không quá 65% GDP, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%.

Bộ cũng đề xuất hướng tái cấu trúc một số khoản nợ trái phiếu quốc tế, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ, hạn mức bảo lãnh và vay thương mại nước ngoài trong năm 2012. Quy chế quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công đến nay cũng đang được hoàn thiện.

Bộ Tài chính cũng thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn,  không để phát sinh nợ quá hạn, tăng cường vay ưu đãi, sử dụng linh hoạt, tối đã các nguồn vốn nhàn rỗi, tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị sử dụng vốn vay, tổ chức thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh gặp dấu hiệu khó khăn để kiến nghị các giải pháp xử lý phù hợp.

Về cam kết hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính trình bày, tháng 1/2012, Thủ tướng đã quyết định cho gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý I, II/2011 thêm 3 tháng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (đến hết tháng 7 và tháng 10 năm nay).

Bộ Tài chính cũng thành lập Tổ công tác chuyên trách để theo dõi tình hình, đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp và nghiên cứu đề xuất tiếp giải pháp về tài chính, thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trình Quốc hội kỳ họp tới.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương cho phép EVN điều chỉnh tăng giá mua điện so với giá trong hợp đồng hiện nay đối với các nhà máy phát điện độc lập không thuộc Tập đoàn điện lực có giá điện thấp, khó khăn về tài chính. Theo đó, tháng 12/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã duyệt mức tăng giá mua điện khoảng 5% để đảm bảo nguồn cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt.
 

Năm 2011, thanh tra chống chuyển giá đã thực hiện thanh tra tại 706 doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, xử lý truy thu, phạt, truy hoàn 369 tỷ đồng, xử lý giảm lỗ hơn 3.400 tỷ đồng.

Ngành hải quan kiểm tra, đánh giá được hơn 2000 doanh nghiệp (gấp 2,5 lần năm 2010), truy thu được hơn 500 tỷ đồng. Toàn ngành cũng bắt giữ được gần 19.500 vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 600 tỷ đồng. Trong quý I/2012, ngành cũng phát hiện, bắt giữ hơn 5000 vụ, vi phạm ước tính hơn 120 tỷ đồng, trong đó có 204 vụ buôn lậu, 209 vụ ma túy, 4 vụ hàng giả…

P.Thảo