1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bầu Hiển làm Chủ tịch Bảo hiểm SHB-Vinacomin

(Dân trí) - Với việc TKV rời sân chơi bảo hiểm, bầu Hiển được bầu làm Chủ tịch công ty bảo hiểm SVIC, ông đồng thời còn là Chủ tịch của ngân hàng SHB và nhiều công ty khác.

Sau 2 lần hoãn họp, cuối cùng, ngày 14/12/2012 vừa rồi, Đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC) cũng đã được diễn ra với hơn 87% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.

Tại đại hội lần này, cổ đông của SVIC đã thông qua việc ông Đỗ Quang Hiển giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2008-2013 kể từ ngày 29/11/2012 thay cho ông  Bùi Thế Bình. Hiện tại, ông Hiển cũng đang là Chủ tịch ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - cổ đông tổ chức lớn của SVIC.

Bầu Hiển làm Chủ tịch Bảo hiểm SHB-Vinacomin

Bầu Hiển đang là Chủ tịch HĐQT tại 3 tổ chức hoạt động tại các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cổ đông cũng đã thực hiện bầu bổ sung thay thế 2 thành viên HĐQT là ông Bùi Gia Anh, ông Vũ Đức Tiến và 1 thành viên Ban kiểm soát là bà Bùi Thị Minh Thu.

Sau khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện thoái toàn bộ cổ phần tương ứng 19,8% vốn điều lệ tại SVIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số cổ đông mới đã tham gia vào Tổng Công ty.

Mặc dù TKV thoái vốn nhưng một số công ty liên kết, cán bộ, nhân viên thuộc ngành này vẫn là cổ đông của SVIC. Trong khi đó, những sản phẩm, dịch vụ được thiết kế phù hợp với nhu cầu đặc thù hoạt động của ngành khai thác than, khoáng sản nên SVIC cho rằng, nền tảng khách hàng của công ty vẫn đảm bảo ổn định và doanh thu phí bảo hiểm giữ được đà tăng trưởng.

Trong giai đoạn mới, hoạt động tái cấu trúc SVIC sẽ hướng đến mục tiêu trở thành Tổng Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ. Trước mắt, SVIC và SHB sẽ hợp tác để triển khai sản phẩm liên kết bảo hiểm-ngân hàng (bancassurance) - đây được xem là lội thế lớn của công ty bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm truyền thống khác.

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, ngay sau ĐHĐCĐ, HĐQT SVIC sẽ họp với ban điều hành, các chi nhánh để bàn giải pháp khắc phục tồn tại của thời gian trước, đồng thời giao chỉ tiêu kinh doanh cụ thể đến từng chi nhánh, đơn vị kinh doanh.

Tham vọng của bầu Hiển được thể hiện khá lớn ở mảng thị trường này khi đặt mục tiêu trong năm 2013, SVIC vào top 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu lớn nhất Việt Nam.

Như vậy, trong 3 tháng trở lại đây, khá nhiều sự kiện đã diễn ra tại SHB và liên quan đến bầu Hiển sau vụ thâu tóm ồn ào nhất của ngành ngân hàng Việt Nam 2012 với Habubank.

Hồi tháng 8, Thủy sản Bình An (Bianfishco) bước vào quá trình tái cơ cấu với sự tham gia góp vốn chính từ SHB. Đến giữa tháng 10, ông Hiển được bầu làm Chủ tịch Bianfishco.

Như vậy, hiện tại, bầu Hiển đang nắm giữ cương vị cao nhất tại 3 tổ chức: Ngân hàng SHB, CTCP Thủy sản Bình An và Bảo hiểm SHB - Vinacomin.

Sau 4 tháng, từ chỗ đứng bên bờ vực phá sản, Bianfishco tuyên bố, đã trả xong 261 tỷ tiền nợ cá cho nông dân và đặt mục tiêu tăng công suất lên gấp 2,5 lần hiện tại và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD trong năm 2013.
 
Ngoài ra, thanh toán hơn 2 tỷ tiền nợ bảo hiểm xã hội trước đây và tiến hành đăng ký đóng BHXH đối với cán bộ công nhân viên hiện đang làm việc tại công ty.

Thông tin này đã hỗ trợ đáng kể giá của SHB trong thời gian vừa qua. Giới đầu tư cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế tỏ ra lo ngại với việc xử lý nợ cũ ở SHB khi ngân hàng thực hiện sáp nhập HBB.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, khoảng lãi từ các đơn vị SHB cũ 610 tỷ đồng không gánh nổi khoản lỗ thuộc các đơn vị HBB cũ 1.715 tỷ đồng và ngân hàng ghi nhận mức lỗ 1.105 tỷ đồng.

Nguyên nhân được xác định do ngân hàng phải trích lập dự phòng các khoản nợ cũ của Habubank. Tổng dự phòng rủi ro đã được trích lập đến 30/9/2012 là 2.103 tỷ đồng. SHB cho biết đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị trước đây của Habubank.

Bầu Hiển làm Chủ tịch Bảo hiểm SHB-Vinacomin

Về phân loại chất lượng nợ, đến 30/9, nợ xấu của SHB đã tăng từ 651,3 tỷ đồng, chiếm 2,23 % tổng dư nợ lên 6.227,03 tỷ đồng, chiếm 12,23% tổng dư nợ.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh từ 218,9 tỷ đồng tăng hơn gấp 10 lần lên 2.350,7 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng từ 154,1 tỷ đồng lên 2.206,5 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 278,3 tỷ đồng lên 1.669,8 tỷ đồng.

Tính đến hết phiên giao dịch 17/12/2012, SHB bị khối ngoại liên tục bán ròng trong 23 phiên từ 15/11 đến nay. Riêng phiên này, khối ngoại đã bán ròng 4,2 triệu cổ phiếu SHB và trong 3 phiên liên tiếp không hệ có đặt mua.

Tuy nhiên, với những triển vọng về việc xử lý nợ xấu và về tiềm năng ở Bianfishco, giá cổ phiếu SHB vẫn được neo lại trên mức 5.000 đồng, duy trì mạch tăng và không bị đứt gãy đến thời điểm hiện tại.

Sau chuỗi giảm từ đầu tháng 5, đến tháng 11, giá SHB bắt đầu phục hồi.

Sau chuỗi giảm từ đầu tháng 5, đến tháng 11, giá SHB bắt đầu phục hồi.

Mai Chi