1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bất động sản lại “nóng”

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản TPHCM đã trải qua 2 đợt biến động không chỉ về số lượng giao dịch mà cả về giá, diễn ra vào hồi tháng 3 và từ hơn 1 tuần nay.

Đợt biến động trước có đặc điểm là ấm, nóng, sốt rất nhanh và nguội đi cũng rất nhanh; diễn ra cục bộ ở một số khu vực, một số loại bất động sản; nguyên nhân trực tiếp là do nhiều nhà đầu tư đã “trúng đậm” từ chứng khoán chuyển sang bất động sản...

Đợt biến động lần này có nét tương đồng với đợt trước, cũng bắt đầu ở một số khu vực ở TPHCM và tập trung ở một số nơi (quận 2, quận 7, huyện Nhà Bè, nơi có những dự án cầu đường), nhưng cũng có những diễn biến khác đáng lưu ý.

Thứ nhất, cũng có dính dáng với chứng khoán, nhưng lần trước  là do “trúng đậm” sau cơn sốt phi mã của giá chứng khoán, còn lần này là do thị trường chứng khoán hạ nhiệt.

Chỉ số giá chứng khoán ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (VN-Index) chỉ quanh quẩn ở mốc 920 điểm (giảm tới 22% so với đỉnh điểm 1.171 điểm vào 12/3/2007).

Còn ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, HaSTC-Index chỉ quanh quẩn ở mốc 250 điểm (giảm tới 46% so với đỉnh điểm 460 điểm vào đầu năm). Thị trường OTC còn giảm nhiều hơn, kể cả cổ phiếu của các ngân hàng thương mại, có loại giảm tới 70%, muốn bán cũng chẳng bán được vì không có người mua.

Việc “phục” các đợt IPO của các “đại gia” thì lâu quá, sau khi có thông tin giãn tiến độ thực hiện sang cuối năm nay hoặc sang năm tới.

Đó là chưa nói, nếu không bán ra, cắt lỗ thì thời hạn trả nợ ngân hàng đang thúc bách, sau Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng. Các nhà đầu tư mới không muốn đầu tư vào thị trường hiện còn bấp bênh, thiếu khả quan vào lúc này.

Thứ hai, trong các kênh đầu tư hiện nay, kênh bất động sản được xem có tính khả quan hơn cả, bởi có nhiều yếu tố tác động làm cho giá tăng.

Thời gian sốt lạnh của thị trường bất động sản đã kéo dài gần 5 năm (từ 2003 đến nay), xấp xỉ bằng thời gian của đợt sốt nóng trước (từ 1995 đến 2000). Chu kỳ sốt nóng (2 năm) và sốt lạnh (6 năm) của 2 lần trước cũng được các chuyên gia cho là có thể lặp lại vào cuối năm nay hay đầu năm tới?

Ngoài ra, còn có các thông tin về đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước (cầu, đường, khu công nghiệp, khu đô thị mới...), về đầu tư nước ngoài tăng tốc (kể cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn vốn đầu tư gián tiếp), về tín hiệu khả quan của tăng trưởng kinh tế năm nay (8,5%) và mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm sau (9%)...

Các thông tin về chính sách nhà ở cho Việt kiều, cho người nước ngoài thông thoáng hơn cộng hưởng với nhu cầu nhà đất ở trong nước đã tạo thêm sức hấp dẫn trong đầu tư bất động sản ở nước ta.

Thứ ba, các thông tin trên đã được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản nắm được và tận dụng. Họ vốn có kinh nghiệm khi đã “lướt sóng” qua mấy cơn sốt giá lớn để trở thành các đại gia, các tỷ phú xuất hiện sau các cơn sốt bất động sản năm 1993 - 1994, sốt vàng trong 5 - 6 năm qua, sốt bất động sản 2000 - 2001, sốt chứng khoán cuối năm 2006, đầu năm 2007.

Đó là chưa kể các “cò” làm giá, đẩy giá lên cao... để hưởng chênh lệch. Diễn biến thị trường cho thấy sau vài ba lần “dập dềnh”, có thể đang có sự chuẩn bị cho cơn sốt thứ ba về bất động sản trong thời gian tới đây.

Theo Minh Nhung
Đầu tư chứng khoán