1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bất động sản đang hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Nếu nhà đầu tư hoạt động chuyên nghiệp thì việc kinh doanh bất động sản tại Việt Nam sẽ an toàn, hiệu quả và lợi nhuận sẽ cao hơn các châu lục khác. Giới kinh doanh bất động sản (BĐS) nhận định chưa bao giờ nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến thị trường BĐS của Việt Nam nhiều như thời điểm hiện nay.

Bên cạnh hàng chục dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD đang và sẽ được xây dựng thì rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến thăm dò, tìm hiểu môi trường đầu tư BĐS tại Việt Nam trong tháng 11 này đã nói lên điều đó.

Làn gió mới...

 

Các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu thị trường BĐS thông qua nhiều kênh, như đại sứ quán các nước, doanh nghiệp... TS Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết chỉ riêng tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có hơn 20 đoàn doanh nghiệp nước ngoài về lĩnh vực BĐS đến tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam.

 

Một trong những tác động lớn nhất để thu hút doanh nghiệp các nước quan tâm đến thị trường BĐS là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, trong tháng 11 này, việc nước ta tổ chức Hội nghị APEC đã làm cho các nhà đầu tư chú ý hơn nữa đến Việt Nam.

 

Tại thời điểm này, các dự án như: Kumho Asia Plaza (Hàn Quốc) đầu tư 223 triệu USD; Happiness Square (Đài Loan) vốn đầu tư trên 150 USD hay Sài Gòn Sport City (Singapore)... đang được triển khai trên địa bàn TPHCM. Gần 100 dự án BĐS ở các tỉnh, thành khác đang được các nhà đầu tư trong nước kêu gọi đối tác nước ngoài liên doanh, liên kết, góp vốn để phát triển làm cho thị trường BĐS vốn im ắng trong thời gian qua đang trở nên nhộn nhịp.

 

Theo ông Trần Trọng Hiếu, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị quốc tế (IDJ), trong tháng 11 này, cùng với sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC, rồi chính thức trở thành thành viên WTO, IDJ đã đón trên 15 phái đoàn doanh nhân đến tìm hiểu về đầu tư tại Việt Nam, trong đó có nhiều đoàn chuyên về BĐS đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông...

 

Ông Howie Gelbtuch, chuyên gia Hiệp hội BĐS Hoa Kỳ (NAR), cho biết thời gian gần đây, các thành viên của NAR quan tâm đến thị trường BĐS ở các quốc gia châu Âu. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chuẩn bị 25% tổng số vốn để đầu tư vào BĐS tại Việt Nam. Họ tin rằng, nếu nhà đầu tư hoạt động một cách chuyên nghiệp thì việc kinh doanh BĐS tại Việt Nam sẽ an toàn, hiệu quả, lợi nhuận sẽ cao hơn các châu lục khác.

 

Tín hiệu khởi sắc

 

Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2006 sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực BĐS. Cụ thể là không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

 

Luật quy định và bảo đảm cho nhà đầu tư được chủ động trong hoạt động kinh doanh, được chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án, đầu tư đa mục tiêu, nhiều hình thức; bình đẳng tiếp cận các nguồn về đầu tư, đất đai, các biện pháp thương mại và rào cản liên quan đến đầu tư cũng được bãi bỏ. Đặc biệt là thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, có sự phân cấp quản lý cho từng địa phương...

 

Dự đoán về thị trường BĐS thời gian tới, TS Đỗ Thị Loan khẳng định: Nhu cầu về các cao ốc, văn phòng, cũng như nhà ở cho người nước ngoài lẫn trong nước trong thời gian tới là rất lớn. Thị trường BĐS ở TPHCM sẽ “nóng”.

 

Cụ thể, khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực 1/1/2007 sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Sự tham gia của các nhà đầu tư BĐS quốc tế (có tính chuyên nghiệp cao, mạnh về vốn và kinh nghiệm) sẽ tăng thêm lực cho thị trường. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang chuẩn bị đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi dài hạn, nhằm giúp mọi người có thể tiếp cận vốn để tham gia vào thị trường BĐS. Đồng thời, các dự án quy hoạch treo đang được Nhà nước loại bỏ dần.

 

Theo đó các nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục hiện đại, nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, mua sắm, cà phê sang trọng... sẽ tăng cao. Điều đó cho thấy thị trường BĐS của Việt Nam hứa hẹn nhiều khởi sắc.

 

Theo Sơn Nhung-Thy Thơ

Báo Người lao động