1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Bão giá” châu Á lan sang phương Tây

(Dân trí) - Sau một thời gian “hoành hành” ở châu Á, giờ đây, lạm phát bắt đầu vươn tầm ảnh hưởng sang các nước phương Tây, vì từ nhiều thập kỷ nay, thị trường này đã phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng giá rẻ nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển.

Ông Jong-Wha Lee, Giám đốc Văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nhận định: “Lạm phát là mối đe doạ chính hiện nay đối với châu Á.”

 

Và nay, đó còn là mối đe doạ cả với người tiêu dùng phương Tây, vì các doanh nghiệp xuất khẩu châu Á, dù là nước có chi phí sản xuất “cực” rẻ, cũng bắt đầu tăng giá hàng.

 

Trong khi đó, các nước đang phát triển hiện cung cấp gần một nửa lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ. Tệ hơn, lạm phát tại các nước này lại đến vào đúng thời điểm nhiều đồng nội tệ lên giá so với USD. Do đó, hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ đang tăng giá “chóng mặt”. Người tiêu dùng cuối cùng ở đây vừa phải gánh chi phí sản xuất tăng cao do lạm phát, vừa phải gánh tác động của tỷ giá hối đoái.

 

Theo Uỷ ban thống kê lao động Mỹ, chỉ số giá trung bình của hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã giảm dần đến đầu năm 2004, nhưng hiện nay đang tăng mạnh, cụ thể tại thời điểm tháng 2 năm nay đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Do giá năng lượng và chi phí nhân công ngày một tăng cao, các doanh nghiệp châu Á không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng giá hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. “Đây là thời điểm làm ăn khó khăn,” Giám đốc bán hàng của công ty gốm Quang Vinh ở Bát Tràng (Việt Nam) nói.

 

Người lao động ở các nước đang phát triển, do phải trang trải cuộc sống trong bối cảnh giá cả leo thang, nên đã yêu cầu được tăng lương. Công ty Quang Vinh đã phải tăng 30% lương cho công nhân.

 

Ở nhiều nước, tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục tăng. Philippines vừa công bố giá tiêu dùng đã tăng gấp đôi trong vòng 5 tháng qua.

 

Cách đây chưa lâu, người ta còn khó hình dung việc một nước nghèo, với tỷ lệ lạm phát cao, lại chứng kiến đồng nội tệ lên giá so với USD. Nhưng hiện nay, đó là thực tế, đồng USD đã không còn “cường tráng” như trước.

 

Thâm hụt thương mại lớn tại Mỹ, cùng với một số vấn đề kinh tế-tài chính khác đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD. Và bắt đầu có dấu hiệu cho thấy USD có thể sẽ tiếp tục lao dốc nếu ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển không có biện pháp “cứu” tỷ giá, đặc biệt là ở châu Á.

 

Nhiều ngân hàng tin chắc rằng USD sẽ tiếp tục rớt giá và từ chối mua USD số lượng lớn. Một số công ty nước ngoài và doanh nghiệp xuất khẩu thậm chí không thể đổi USD ra đồng nội tệ để thanh toán tiền lương cho nhân viên.

 

Thêm vào đó, bản thân việc sụt giá của đồng USD cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát ở các nước đang phát triển. Tại một khu chợ ướt ở Đài Bắc (Đài Loan), chị Teresa Gau, một người buôn bán thuỷ sản, đã phải tăng giá hàng thêm 30% so với một năm trước, do nguồn hàng lấy từ chủ tàu khai thác thuỷ sản tăng giá để bù vào giá dầu diesel - được tính bằng USD.

 

Trong khi đó, tại làng gốm Bát Tràng của Việt Nam, lãnh đạo công ty gốm Quang Vinh cho biết chi phí tăng mạnh nhất là mực màu xanh sáng dùng để trang trí lọ hoa và các sản phẩm đồ gốm khác. Loại mực này công ty phải nhập từ Bỉ, theo giá tính bằng euro, nên giá đã tăng tới 80% so với năm ngoái nếu tính theo Việt Nam đồng.

 

Chủ một lò gạch ở Bát Tràng cũng đã phải tăng giá gạch lên gấp 3 so với năm ngoái.

 

Đặng Lê

Theo NYT