1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Báo Đức: Nga đã thua trong cuộc chiến khí đốt với Đức

Nhật Linh

(Dân trí) - Vẫn còn quá sớm để nói về kết cục của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng hãng thông tấn Đức DW khẳng định chắc chắn rằng Nga đã thua trong cuộc chiến khí đốt với Đức.

Đức là nước có năng lực dự trữ khí đốt lớn nhất trong các nước EU. Và nếu kho dự trữ khí đốt này vẫn được lấp đầy đến 90% vào giữa tháng 1, thời cao điểm của mùa sưởi ấm, thì điều đó đồng nghĩa việc mất đi nguồn cung khí đốt Nga đã không còn lo ngại nữa.

Gần 11 tháng trước, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức đang nhập một nửa khí đốt tự nhiên từ Nga. Do đó, Đức là tâm điểm áp lực kinh tế mà Nga muốn dồn lên châu Âu.

Báo Đức: Nga đã thua trong cuộc chiến khí đốt với Đức - 1

DW cho rằng bắt đầu từ năm nay, Đức không cần đến khí đốt của Nga và cũng không phải lo lắng khi mất mát nguồn cung này (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, DW cho rằng, kế hoạch này đã thất bại. Người Đức không bị "đóng băng" trong những ngôi nhà của họ, các nhà máy cũng không buộc phải đóng cửa. Các chính trị gia ở Đức không còn lo sợ bị Moscow trả thù và đưa đất nước vào bế tắc. Ngược lại, bản thân Đức đã từ bỏ than đá và dầu thô của Nga, như một phần của lệnh trừng phạt. Và kể từ cuối tháng 8/2022, Đức đã không còn nhận khí đốt từ Gazprom nữa.

Nói một cách khác, trong 5 tháng nay, người Đức đã sống mà không có khí đốt từ những đường ống của Nga mà họ từng cho là không thể thiếu. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu dường như đã đối phó tốt với tình hình.

Mặc dù DW cho rằng một cuộc suy thoái vẫn có nguy cơ xảy ra và không có gì ngạc nhiên khi chuỗi cung ứng tồn tại hàng thập kỷ sụp đổ và giá năng lượng bùng nổ. Nhưng các chỉ số ngày càng cho thấy suy thoái có khả năng khá nhẹ. Thậm chí mức lạm phát kỷ lục cũng đang chậm lại.

Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cũng đã chính thức thông báo tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông ngày càng khó xảy ra. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, người đứng đầu cơ quan này cho biết, ông hy vọng giá khí đốt sẽ ngừng biến động và ổn định quanh mức hiện tại. Mặc dù giá khí đốt hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với trước đây, song so với mức kỷ lục trong mùa hè thì mức giá này đã thấp hơn nhiều. Với mức giá này, các lĩnh vực thâm dụng năng lượng của ngành công nghiệp Đức cuối cùng cũng có thể hoạt động để giành lại vị thế của mình.

INES - Hiệp hội các nhà điều hành dự trữ khí đốt và hydrogen của Đức cũng vừa đưa ra kịch bản cho năm 2023. Theo đó, nếu thời tiết và nhiệt độ bình thường thì tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ vào cuối mùa đông này là 65%. Đây là điểm khởi đầu thuận lợi cho việc dự trữ khí đốt trong những tháng mùa hè để đảm bảo lấp đầy 100% trong đầu tháng 9 tới.

Nói cách khác, các chuyên gia trong ngành đang đảm bảo với các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề dự trữ khí đốt trong mùa đông này hoặc mùa đông tới, miễn là vẫn duy trì được mức tiêu thụ giảm mạnh như hiện tại.

Tuy nhiên, các chuyên gia của INES cũng đưa ra kịch bản xấu nhất, đó là thời tiết trở nên đặc biệt lạnh, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng giảm đột ngột do nhu cầu cao từ châu Á, đồng thời Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Song ngay cả như vậy, DW cho rằng, Đức không cần lo thiếu khí đốt, nhất là trong giai đoạn thời tiết nóng lên như hiện nay.

Hai điều này rõ ràng là bằng chứng cho thấy Nga đã thua trong cuộc chiến khí đốt với Đức. DW cho rằng bắt đầu từ năm nay, Đức không cần đến khí đốt của Nga và cũng không phải lo lắng khi mất mát nguồn cung này. Còn phía Nga, công ty khí đốt do nhà nước Nga sở hữu Gazprom đã mất đi thị trường nước ngoài quan trọng nhất. Bởi chỉ một năm trước, Đức là khách hàng chiếm 1/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Gazprom.

Theo DW