1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp FDI

Thảo Thu

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thí điểm các khoản hỗ trợ doanh nghiệp FDI được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tờ trình này được xây dựng song song với tờ trình của Bộ Tài chính, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, mà Việt Nam dự kiến sẽ tham gia vào năm sau (2024).

Bộ Tài chính ước tính, 112 tập đoàn nước ngoài có thể phải nộp bổ sung thuế, giúp ngân sách thu thêm hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2024 - năm đầu tiên Việt Nam áp loại thuế này.

Tuy nhiên, ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận, nếu áp thuế mức 15% mà không có ưu đãi, giải pháp hỗ trợ sẽ xung đột với các quy định hiện nay của Việt Nam trong thu hút nước ngoài. Mặt khác, khả năng mở rộng dự án hiệu hữu hay thu hút dòng vốn ngoại của Việt Nam sẽ bị tác động, niềm tin nhà đầu tư giảm sút.

Vì thế, Bộ này đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhóm doanh nghiệp FDI chất lượng cao, quy mô lớn. "Các khoản hỗ trợ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp FDI - 1

Để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền ngân sách (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bộ này đưa ra 4 đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư, gồm doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án trung tâm nghiên cứu, phát triển quy mô trên 3.000 tỷ đồng.

Các hình thức hỗ trợ đầu tư, như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tài sản cố định và chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Bộ đồng thời đưa ra 2 giải pháp cho mức hỗ trợ đầu tư, gồm hỗ trợ trần trên tổng mức đầu tư và hỗ trợ trần trên doanh thu.

Tuy nhiên, đơn vị này cho biết, 2 giải pháp này đều có nhược điểm không hỗ trợ được cho việc kiểm soát ngân sách.

Chưa kể, việc này còn có thể hạn chế thu hút đầu tư hoặc không hỗ trợ đúng đối tượng cần khuyến khích, làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư.

Do đó, Bộ đề xuất phương án "ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư".

Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức độ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ trong Nghị quyết đang xây dựng.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm qua (26/7), Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.