1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Anh: Xuất khẩu "vú em" ăn nên làm ra

(Dân trí) - Kinh tế sa sút dẫn tới những đợt sa thải lớn, giảm lương và tăng giờ làm ở hàng loạt lĩnh vực của Anh. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu vú em ở xứ sương mù vẫn phất như diều gặp gió nhờ nhu cầu ngày càng mạnh của các khách hàng nước ngoài giàu có.

Hãng tin

Hãng tin CNBC cho biết, đối tượng khách hàng sử dụng vú em người Anh là các hoàng tử xứ Trung Đông, các nhà tài phiệt người Nga, những lãnh đạo doanh nghiệp và người nổi tiếng vốn bận rộn, không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Vú em người Anh sở dĩ đắt hàng một phần là bởi truyền thống phục vụ trong hoàng gia.

Các công ty cung cấp dịch vụ vú em của Anh đều sử dụng những cái tên mang hơi hướng hoàng gia như Imperial Nannies và Royal Nannies, đồng thời tạo dựng một hình ảnh gắn liền với những khu vực đắt đỏ nhất của London và danh tiếng về nền giáo dục đẳng cấp cao của đất nước này.

Bà Louise Taylor, nhà quản lý của công ty cung cấp dịch vụ vú em có tên Kensington Nannies, cho biết, lĩnh vực này phát triển bùng nổ ở Anh và cả ở nước ngoài kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2007-2008. “Đúng vào lúc chúng tôi nghĩ là mình sẽ làm ăn sa sút thì mọi chuyện lại diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn bao giờ hết. Những vú em đã có việc thì được yêu cầu làm việc nhiều thời gian hơn. Thị trường vú em ở London bây giờ là thế”, bà Taylor nói.

Cũng theo bà Taylor, ở thị trường nước ngoài, sử dụng vú em người Anh đã trở thành một cách thể hiện đẳng cấp mới của tầng lớp siêu giàu. “Chúng tôi nhận được nhu cầu lớn từ các gia đình ở Monaco, Nga, các nước Arab”, bà Taylor cho biết.

Hình ảnh vú em người Anh nhân hậu nhưng đầy nghiêm khắc đã đi vào những bộ phim nổi tiếng như Mary Poppins năm 1964 của hãng Disney hay chương trình truyền hình “Supernanny” hút khách ở Mỹ. Các vú em người Anh có ưu thế hơn vú em đến từ các quốc gia khác bởi tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Ngoài ra, họ có có trình độ học vấn cao và yếu tố “danh tiếng tuyệt đối” mà những khách hàng siêu giàu ở các thị trường nước ngoài đòi hỏi.

“Dịch vụ vú em là một ngành miễn nhiễm với suy thoái. Luôn có những khách hàng giàu có ở Anh và ở nước ngoài”, bà Taylor nói.

Một công ty dịch vụ vú em nổi tiếng khác của Anh là Norland Nannies cũng nhận được số đơn đặt hàng không nhỏ từ các gia đình giàu có khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu và Trung Đông. Norland có trường đào tạo vú em riêng, nổi tiếng với những sinh viên theo học mặc đồng phục. Tại trường này, sinh viên theo học các khóa học toàn thời gian về chăm sóc trẻ nhỏ.

Vú em tốt nghiệp trường Norland có thể nhận được mức lương ròng lên tới 41.000 Bảng, tương đương 63.400 USD hoặc hơn 1,3 tỷ đồng, mỗi năm nếu làm việc ở nước ngoài. Họ còn có ngày nghỉ, được trả tiền cho các chuyến đi về nhà, chỗ ăn ở tử tế, chi phí thuốc men, khám chữa bệnh…

Trong khi đó, vú em đến từ các quốc gia khác có thể chỉ nhận được mức lương và đãi ngộ kém hơn hẳn. Theo một vú em người Anh giấu tên từng làm việc ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nhiều vú em người Philippines chỉ được chủ cung cấp thức ăn hàng ngày, còn tiền lương thì bị giữ lại. Ngoài ra, các vú em này không được nghỉ trong thời gian làm việc.

Các công ty cung cấp dịch vụ vú em như “Royal Nannies” ở London có khoảng 3.000 vú em, y tá chăm sóc sản phụ và quản gia đăng ký làm việc. Các công ty này đòi hỏi họ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Theo thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ, tiền lương cho một quản gia làm việc 50-70 giờ mỗi tuần dao động từ 700-1.500 Bảng/tuần, còn vú em làm việc ở nước ngoài 40-70 giờ mỗi tuần có thể được trả từ 600-1.200 Bảng/tuần.

Công ty môi giới có thể  đòi mức phí dịch vụ tương đương 20% lương ròng hàng năm của vú em. Vì thế, lĩnh vực này đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Phương Anh
Theo CNBC