1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ai nuôi nổi con với 300.000 đồng/tháng?

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) Bộ Tài chính trình Chính phủ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi tính thiếu khả thi khi đối tượng nộp thuế được mở rộng mà mức khởi điểm chịu thuế lại hạ thấp...

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói về vấn đề này.

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về cách tính thuế TNCN trong dự thảo Luật đang được Bộ tài chính xây dựng ?

 

Tôi cho rằng việc áp dụng cách tính thuế như theo dự thảo sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là giữa những người làm công ăn lương với những người làm kinh tế hộ gia đình, không kê khai thu nhập.

 

Hiện nay, tỉ lệ công chức viên chức trong xã hội chỉ khoảng 12%, tỉ lệ công nhân làm trong các doanh nghiệp Nhà nước khoảng từ 12-15%, phần lớn còn lại là nông dân, làm kinh tế hộ gia đình.

 

Bên cạnh đó, có tới 68% người dân sống ở nông thôn, kinh tế tư nhân chiếm tới 42% GDP nhưng chỉ có 11% là có đăng ký, còn lại 31% kinh tế hộ gia đình.

 

Do đó, việc tính thu nhập để đánh thuế chỉ thực hiện được với số ít người trong xã hội là công nhân viên chức, còn lại phần lớn những đối tượng còn lại khó tính được thu nhập, từ đó khó tính thuế TNCN.

 

Điều này dẫn tới có những người thu nhập cao nhưng không bị đánh thuế, trong khi nhiều người thu được đồng nào bị đánh thuế đồng ấy.

 

Vậy phương án tính thuế TNCN theo dự thảo Luật có tính khả thi không, thưa ông?

 

Theo tôi, chúng ta cần xem xét lại đề án một cách nghiêm túc, nghiên cứu những điều kiện tiền đề để thực hiện việc tính thu nhập chịu thuế.

 

Ở nước ngoài, chẳng hạn ở Đức, 80% người dân làm công ăn lương, số ít là kinh tế hộ gia đình thì việc đánh thuế thu nhập người dân dựa trên đối tượng làm công ăn lương sẽ tương đối bình đẳng, ngay cả những người làm kinh tế hộ gia đình kia Nhà nước cũng quản được.

 

Tuy nhiên ở Việt Nam, như đã nói ở trên, tỉ lệ người làm công ăn lương thấp, quan hệ mua bán giao dịch chủ yếu trực tiếp bằng tiền trao tay trực tiếp, Nhà nước không kiểm soát được chi tiêu, việc đánh thuế như dự thảo chỉ nhằm vào cán bộ công nhân viên chức, vào những người làm công ăn lương ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Vừa rồi chúng ta đã triển khai việc đánh thuế thu nhập với những người có thu nhập cao, ca sỹ, chúng ta thử tổng kết xem đã làm được tới đâu, làm được như thế nào?... Từ đó cần rút kinh nghiệm để xây dựng một đề án có tính khả thi, điều kiện tiền đề chính đáng.

 

Nếu chúng ta vội vã đưa những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam mà chưa đủ điều kiện tiền đề như họ thì tôi thấy ý kiến trong xã hội còn rất nhiều phân vân.

 

Theo ông, mức khởi điểm chịu thuế 1 triệu đồng/tháng có quá thấp không?

 

Tôi cho rằng mức khởi điểm phải đủ cho người ta sống, một mức sống tương đối đàng hoàng, trên mức nghèo khổ mới được. Chứ bây giờ 1 triệu đồng/tháng mà đã bắt nộp thuế rồi thì làm sao người ta chịu được?

 

Nhân đây tôi cũng nói thêm là phải tính thêm mức chi phí gia đình, chi phí nuôi con 300.000 đồng/tháng đã hợp lý chưa? Thử hỏi hiện nay có ai nuôi nổi con với 300.000 đồng/tháng? Nếu cứ tính một cách không hiện thực như vậy sẽ tất yếu dẫn đến sự phản ứng của người dân, ép người ta nói dối.

 

Thực tế cho thấy, nếu chính sách của Nhà nước mà sòng phẳng, hiện thực thì người dân sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, thể hiện mối quan hệ tin cậy giữa người dân với Nhà nước; ngược lại chính sách không hiện thực, bắt ép người ta thì người ta sẽ nói dối, người dân kém tin tưởng vào chính sách của Nhà nước.

 

Xin cám ơn ông !

 

Theo H.T

VnMedia