1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

80% doanh nghiệp dệt may có nguy cơ phá sản?

Sau khi dỡ bỏ hạn ngạch, các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ như: áo sơ mi, quần dài, đồ bơi, đồ lót, áo thun, len có khả năng bị phía Mỹ kiện chống bán phá giá.

Từ ngày 11/1/2007, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và cũng từ thời điểm này, hạn ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chưa kịp hưởng niềm vui của thời kỳ hậu hạn ngạch thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại chuẩn bị phải đối mặt với nguy cơ hàng dệt may Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ.

 

Nguy cơ “bị giám sát” rất lớn

 

Vượt qua mọi khó khăn về thị trường và hạn ngạch, Bộ Thương mại cho biết: Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt trên 5,8 tỉ USD, tăng 22% so với năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 2,2 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2005.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhìn nhận vào WTO, bên cạnh những thuận lợi từ môi trường đầu tư, dỡ bỏ hạn ngạch thì ngành dệt may có nguy cơ bị ép nếu Hoa Kỳ đặt chế độ giám sát chống bán phá giá đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ giảm một nửa và như vậy những dự báo rằng 80% doanh nghiệp dệt may có nguy cơ phá sản có thể sẽ xảy ra.

 

Theo nhận định của ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, có nhiều khả năng các mặt hàng áo sơ mi, quần dài, đồ bơi, đồ lót, áo thun, len sẽ bị phía Mỹ kiện chống bán phá giá. Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ G. Bush nêu rõ, việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ không gây ảnh hưởng và làm tổn hại đến sản xuất của Mỹ và đề nghị không áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may.

 

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta phải sớm có các biện pháp quản lý đối với hàng dệt may đi Mỹ để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng đột biến với giá xuất khẩu thấp. “Chỉ cần phía Mỹ xem xét khởi kiện, bắt đầu quá trình điều tra là khách hàng sẽ cân nhắc kế hoạch có nên ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam nữa hay không” - ông Đạo nói.

 

Bộ Thương mại cũng nhận định, việc Hoa Kỳ khởi động hệ thống giám sát khiến nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ rất lo ngại và cắt giảm nhiều đơn hàng từ Việt Nam, nhất là đơn hàng từ quý III/2007 để tránh khả năng Hoa Kỳ khởi kiện, truy thu hồi tố số thuế cho lượng hàng đã nhập từ tháng 6/2007 (thời điểm dự kiến Hoa Kỳ sơ kết giám sát và có thể đưa ra quyết định khởi động điều tra).

 

Đối phó với tình trạng xuất khẩu ồ ạt

 

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, việc loại bỏ hạn ngạch làm cho nhiều doanh nghiệp dễ dàng nhận thêm các đơn hàng giá rẻ, đơn giản, chất lượng thấp, không có tên tuổi thương hiệu... sẽ thúc đẩy tỉ lệ loại giá rẻ tăng lên, giá trung bình trên một sản phẩm giảm mạnh trong khi lượng lại tăng dễ làm khởi động hệ thống tự vệ của nước nhập khẩu.

 

Đứng trước nguy cơ này, liên bộ Thương mại - Công nghiệp và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa và đối phó với tình trạng tăng xuất khẩu ồ ạt kèm theo giảm giá, ngăn ngừa chuyển tải bất hợp pháp, kể cả các biện pháp cải cách hành chính nhằm giảm bớt thủ tục.

 

Tại các cuộc họp bàn lấy ý kiến về những phương án giám sát xuất khẩu hàng dệt may, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được sự cần thiết của các biện pháp giám sát phòng ngừa của liên bộ, hiệp hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp đề xuất.

 

Sau khi thống nhất với các doanh nghiệp, liên bộ Thương mại - Công nghiệp và Hiệp hội Dệt May cũng sẽ trình Chính phủ để xin phép thực hiện những biện pháp mà đa số doanh nghiệp và hiệp hội đề nghị áp dụng.

 

Theo Gia Linh

Báo Người lao động