1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

5 vị đại sứ đề nghị hoãn thi hành thông tư quản lý giá sữa

Đại sứ các nước: Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa gửi một bức thư cho bộ trưởng Tài chính đề nghị hoãn thực thi thông tư quản lý giá số 122 do bộ này mới ban hành.

5 vị đại sứ đề nghị hoãn thi hành thông tư quản lý giá sữa - 1
Sữa là một trong các mặt hàng sẽ chịu sự kiểm soát và quản lý giá của nhà nước theo Thông tư 122
 
Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/10/2010 thay thế cho thông tư 104/2008/TT-BTC về quản lý giá sữa bột.
 
Theo như nội dung bức thư, các ông đại sứ “bày tỏ sự thất vọng” về những nội dung trong thông tư mới dù trước đó đại sứ các nước này, khi trao đổi với Bộ Tài chính đã không đồng tình.
 
Đại sứ các nước nói trên cho biết đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc thực thi cơ chế giá mới theo dự thảo thông tư (nay vẫn được giữ nguyên) khiến Việt Nam đi chệch khỏi định hướng cơ chế thị trường, làm gia tăng quan ngại về sự tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam.
 

Thông tư 122/2010/TT-BTC do bộ Tài chính ban hành bắt đầu có hiệu lực từ 1.10, theo đó Chính phủ sẽ có quyền áp đặt những biện pháp kiểm soát giá lên một loạt các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty tư nhân và nước ngoài.

Các mặt hàng này bao gồm các nguyên liệu đầu vào công nghiệp như ximăng, thép, gas, phân bón, vắcxin, thức ăn chăn nuôi, than đá, và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như muối, sữa bột, đường, gạo, giấy, sách giáo khoa và vé tàu.

Theo các vị đại sứ này, thông tư mới của bộ Tài chính sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư mới và ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, làm gia tăng gánh nặng về hành chính và chi phí cho các công ty (nước ngoài) ở Việt Nam. Bức thư chung còn nêu quan điểm cho rằng, nếu bộ Tài chính ban hành thông tư với mục đích chống lạm phát thì để đạt mục tiêu chống lạm phát cần thực hiện các giải pháp khác.
 
Thông tư 122/2010/TT-BTC đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý của các công ty nhập khẩu, kinh doanh sữa bột từ nước ngoài. Các công ty này chủ yếu là của Hoa Kỳ, EU, Úc… nên việc đại sứ các nước này lên tiếng, bảo vệ quyền lợi cho các công ty nói trên đã có thể dự đoán từ trước.
 
Theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính, tất cả nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa đều phải đăng ký và kê khai giá. Bộ Tài chính hy vọng với sự ra đời của thông tư mới, lần đầu tiên sẽ có chế tài buộc các hãng sữa chứng minh tính hợp lý của giá bán trên thị trường.
 
Theo Bộ Công thương, từ đầu năm tới nay, sữa đã có 4 lần tăng giá. Thị trường sữa hiện đang có dấu hiệu bị thao túng vì có khi giá thế giới không tăng, thậm chí giảm nhưng giá sữa trong nước vẫn tăng. Mặt khác, việc các hãng sữa tăng giá đồng loạt cho thấy dấu hiệu liên kết của một số nhà nhập khẩu.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc kê khai giá sữa chỉ là giải pháp tạm thời, không hiệu quả và khó có thể bắt các doanh nghiệp (DN) kê khai cơ cấu giá. Lý do: cơ cấu giá là bí mật kinh doanh của DN, là sự sống còn của DN.
 
Ở nhiều nước, cơ quan chức năng thường tiến hành đánh giá, khảo sát xem mức giá nhập khẩu nguyên liệu, chi phí nhân công, chi phí quảng cáo… trên cơ sở đó để tính xem người tiêu dùng đang bị trục lợi hay hưởng lợi.
 
Họ cũng thường điều tra xem có liên kết (dọc, ngang giữa các hãng sữa) hay không…để làm minh bạch thị trường sữa. Biện pháp này được xem là cần thiết hơn so với việc bắt buộc đăng ký và kê khai giá.
 
Nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên can thiệp quá sâu vào thị trường, nhưng trong trường hợp cần thiết cũng phải can thiệp mạnh tay và triệt để, không thể để các hãng sữa “làm mưa làm gió” trên thị trường.
 
Theo Hà Phạm
Báo SGTT