1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ: “Phải quy được trách nhiệm thì mới thuyết phục”

(Dân trí) - Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, với các dự án thua lỗ, kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào cứu mà sẽ bán hoặc cho phá sản. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải quy được trách nhiệm thì mới thuyết phục. Hơn nữa, tái cơ cấu không thể chỉ bằng lý luận chung chung, phải nêu được địa chỉ rõ ràng, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Một vấn đề được nhiều vị đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay (22/10), đó là hiệu quả đầu tư công ở mức thấp, khi mà thực tế cho thấy có không ít công trình thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, những dự án vốn hàng nghìn tỷ nhưng “đắp chiếu”…

Những dự án này tiêu tốn đáng kể nguồn lực xã hội và cản trở sự thành công của công cuộc tái cơ cấu.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu tỉnh Quảng Bình, với những dự án nói trên, đến nay vẫn chưa có phân tích cụ thể nào tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thua lỗ để từ đó khắc phục được triệt để vấn đề.

“Tôi đề nghị sắp tới, chúng ta đánh giá thành tích vừa phải thôi, phải tìm được nguyên nhân của những thất bại để người sau có thể tránh được sai lầm của người đi trước”, ông Phương góp ý.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, sáng 22/10 (ảnh: BD)
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, sáng 22/10 (ảnh: BD)

Trong khi đó, theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), tinh thần của Chính phủ là “công khai, minh bạch” nhưng khi ông tiếp nhận thông tin về 5 dự án lớn thua lỗ, dù ai cũng đã biết song vẫn đóng dấu “mật”.

“Kinh doanh lỗ, lãi là bình thường. Phải công khai thì mới biết được vì sao lỗ. Qua công khai thì mới có trách nhiệm làm tốt hơn, chứ không nên hạn chế thông tin. Tôi cho đây là một bài học kinh nghiệm về công khai minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, đại biểu Ninh Bình bình luận.

Ngoài ra, ông Phương cho rằng, khi phát hiện có vấn đề thì phải xử lý nghiêm túc, có địa chỉ và quy trách nhiệm thì mới thuyết phục. “Chỉ nói một số nơi, một bộ phận… thì ai cũng nghĩ là không phải đề cập đến mình”, vị đại biểu cho biết.

Đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị, cần xem lại từ những vấn đề cụ thể, chứ lý luận đã nói quá nhiều “Cứ nói tăng cường, đẩy mạnh khắc phục… nhưng nói rồi để đấy chứ không giải quyết được vấn đề”.

Ông Phương dẫn chứng, ngay như vấn đề lãng phí đã được nêu ra, song không chỉ ra được lãng phí ở đâu, do ai. Trong khi đó, ở cơ sở, có địa phương dự kiến xây một nhà cấp 4 hơn 3 gian mà lập dự toán tới 1,4 tỷ đồng trong khi nếu để dân xây dựng thì chỉ tốn hết 200 triệu đồng.

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và phải có địa chỉ để khắc phục. Chứ đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng mà tác động lại nền kinh tế chẳng được bao nhiêu!”, ông Phương không khỏi bức xúc phát biểu.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, sẽ phải phân loại những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ trước đây là thua lỗ do khách quan hay chủ quan, có khả năng tái cơ cấu được hay không.

“Nếu thua lỗ do khách quan và còn có khả năng tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Không lạm dụng tái cơ cấu. Những anh nào không còn khả năng nữa như Thép Thái Nguyên thì không thể bỏ thêm tiền vào nữa”, Phó Thủ tướng kiên quyết.

Theo đó, quan điểm của Chính phủ là dứt khoát xử lý các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và các dự án đầu tư thất thoát kém hiệu quả, không thể cứu.

Mới đây, khi trình bày về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho biết, trong năm tới, công tác điều hành của Chính phủ sẽ nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, “đối với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung ương đã chỉ đạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tức là chúng ta sẽ tách chức năng sở hữu và chức năng quản lý ra. Hy vọng các quyết định đầu tư, việc quản lý dự án sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn, giảm rồi dẫn đến không còn thất thoát, lãng phí”, ông Dũng cho hay.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản

1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;

3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Bích Diệp