1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

30.000 tỷ đồng đổ ụp, ngộp thở vì vung tiền đua giá mua cổ phiếu

Mai Chi

(Dân trí) - Nhiều nhà đầu tư như đang ngồi trên đống lửa khi vung tiền vội vàng mua cổ phiếu lúc tăng để rồi cuối phiên đứng tim vì giá điều chỉnh sâu.

596 mã giảm giá, 15 mã giảm sàn so với 359 mã tăng, 34 mã tăng trần trên 3 sàn chứng khoán phiên hôm nay - phiên khởi đầu tháng 8 - đã khiến phần lớn các chỉ số điều chỉnh.

Đáng chú ý là sự điều chỉnh xảy ra vào những phút cuối phiên, đồng thời cũng có rất nhiều mã "đổi màu" từ sắc xanh sang sắc đỏ trên bảng điện tử. Theo đó, số lượng nhà đầu tư "đua giá" và thua lỗ ngay trong phiên là không nhỏ.

VN-Index đóng cửa với mức giảm 5,34 điểm tương ứng 0,44% còn 1.217,56 điểm; VN30-Index giảm 8,63 điểm tương ứng 0,7% và HNX-Index cũng giảm 0,21 điểm tương ứng 0,09%. UPCoM-Index vẫn giữ được trạng thái tăng 0,86 điểm tương ứng 0,96%.

30.000 tỷ đồng đổ ụp, ngộp thở vì vung tiền đua giá mua cổ phiếu - 1

Diễn biến cổ phiếu VN-Index trong phiên đầu tháng 8 (Nguồn: Tradingview).

Với mức điều chỉnh này có thể thấy đây đơn thuần là một phiên chốt lời trên diện rộng. Trong khi đó, thanh khoản vẫn không ngừng "nở" ra.

Dòng tiền đổ vào HoSE phiên này lên tới 26.404,18 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 1,28 tỷ đơn vị. Trên sàn HNX, con số này là 147,17 triệu đơn vị tương ứng 2.610 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 77,86 triệu cổ phiếu tương ứng 1.065,4 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường phiên này lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

VIC tiếp tục là điểm sáng của toàn thị trường khi đóng góp cho VN-Index tới 3,7 điểm, kế đến là BID đóng góp hơn 1,7 điểm. Dù vậy, sự nỗ lực của các "ông lớn" này vẫn không thể "cứu" được chỉ số chính.

30.000 tỷ đồng đổ ụp, ngộp thở vì vung tiền đua giá mua cổ phiếu - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index trong phiên 1/8 (Nguồn: VNDS).

VN30 có tới 22 mã giảm giá và chỉ 6 mã tăng giá. Ngoài VIC và BID thì CTG cũng tăng 1,3%; HDB tăng 1,2%; SAB tăng 1%, TPB tăng nhẹ. Chừng đó là chưa đủ để "gánh" chỉ số khi mà NVL quay đầu giảm mạnh 5,6% với khối lượng khớp lệnh lên tới 53,1 triệu đơn vị; PDR giảm 3,9%; MWG giảm 3,7%; SSI giảm 2,9%; VNM giảm 2,6%; HPG giảm 2,5%; BCM giảm 2,5%; VRE giảm 1,9%; BVH giảm 1,9%... Đáng nói là phần lớn các mã này có thời điểm trong phiên tăng giá tốt.

Hiện tượng chốt lời mạnh diễn ra tại một số cổ phiếu ngân hàng, qua đó khiến VPB, TCB, OCB, VIB, VCB, SHB và ACB điều chỉnh, nhưng mức giảm không đáng kể.

Hầu hết cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính nhuốm sắc đỏ trên bảng giá, đây cũng là nhóm có tính chỉ báo về xu hướng thị trường. Trong phiên tăng giá nhưng cuối phiên đột ngột giảm, các mã cổ phiếu này khiến nhiều nhà đầu tư "đứng tim" vì lo lắng. IBC giảm 5,3%; FIT giảm 5,2%; BCG giảm 5%; APG giảm 4,6%; VDS giảm 4,2%; VND giảm 3,8%; OGC giảm 3,4%; EVF giảm 3,4%; VCI giảm 3%; TVB giảm 3%... Do những mã này giảm sâu vào cuối phiên nên các nhà đầu tư lỡ mua vào giá cao trong phiên phải gánh thiệt hại lớn.

Tình trạng tương tự diễn ra tại ngành bất động sản. HPX thậm chí giảm sàn xuống 4.690 đồng dù trong phiên tăng lên 5.100 đồng; LEC cũng giảm 6,4% áp sát mức sàn; NVL giảm 5,6%; TDC giảm 5,5%; TDH giảm 5,2%; VRC giảm 5,1%; DXG giảm 5%; HAR giảm 4,8%; NLG giảm 4,7%...

30.000 tỷ đồng đổ ụp, ngộp thở vì vung tiền đua giá mua cổ phiếu - 3

Nhiều cổ phiếu bất động sản điều chỉnh sâu, có mã giảm sàn (Nguồn: VDSC).

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán DNSE, phiên hôm nay tạo thành mẫu nến giảm điểm cùng thanh khoản bán leo thang, giảm ngược vào phiên ATC khi áp lực chốt lời tăng cao. RSI cùng MACD đã bắt đầu suy giảm từ ngưỡng cao, báo hiệu cho việc thị trường đã bắt đầu điều chỉnh.

Nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng, nên chờ những động thái rõ ràng hơn của thị trường trước khi quyết định tham gia lại.