(Dân trí) - Mong ước lớn nhất của CEO Nguyễn Lê Quốc Tuấn là cà pháo có thể trở thành món ăn đặc trưng của Việt Nam, như kim chi của Hàn Quốc. Và các loại bánh đặc sản của Việt Nam có thể đi khắp thế giới.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc (CEO) Công ty Sông Hương Foods từng có hơn 10 năm làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG), từ khi công ty này chỉ có 3 cửa hàng. Trải qua nhiều vị trí khác nhau, từng "ăn chung, ngủ chung" với ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, nhưng đầu năm 2018, ông Tuấn nghỉ việc, về tiếp quản công ty của gia đình.
Từ một công ty làm mắm, các loại sản phẩm lên men và chỉ tiêu thụ nội địa, sau 5 năm, sản phẩm của doanh nghiệp này có mặt ở nhiều chuỗi siêu thị lớn trong nước, xuất khẩu chính ngạch đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mong ước lớn nhất của CEO Nguyễn Lê Quốc Tuấn là cà pháo có thể trở thành món ăn đặc trưng của Việt Nam, như kim chi của Hàn Quốc. Và các loại bánh đặc sản của Việt Nam có thể đi khắp thế giới.
Trước khi là người điều hành Sông Hương Foods, ông từng làm việc tới vị trí Giám đốc Ngành hàng phụ kiện tại Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, chủ chuỗi bán lẻ điện thoại điện máy lớn vào hạng nhất Việt Nam. Điều gì khiến ông rẽ ngang như vậy?
- Năm 23 tuổi, tôi mua nhà. Từ năm 24 tuổi, tôi chỉ đi xe hơi thôi, cho tới khi bị "nghiệp quật". Ông bà ta nói một câu: Giàu sớm thì đoản mệnh. Phần lớn người giàu sớm thì dễ hư, hư mà không có phước thì đoản mệnh. Tôi có phước là cha mẹ làm giáo viên, anh hai yêu thương.
Tôi được sinh ra trong gia đình có gốc may mắn, tôi chỉ có cái không may mắn là… giàu sớm thôi. Nên sau này tôi có giảng Phật pháp, có bài giảng "Đừng nghĩ giàu sớm mà vui". Đó là điều không may của con người. Chỉ có 20% người giàu sớm vượt qua được sau 30 tuổi thôi, 80% còn lại không lết qua được ngưỡng đó.
Đồng tiền kinh khủng lắm. Nó khiến con người quên đi cái mà mình đang có, thậm chí mất đi nhân tính. Tôi rất sợ ai đó giàu sớm mà thiếu hiểu biết về nhân quả, thiếu cái phước.
Ngày xưa tôi không biết thế nào là nhân quả, là phước là nghiệp. Tôi chỉ biết một câu duy nhất: "Cái gì không giải quyết được bằng tiền thì có thể giải quyết bằng rất nhiều tiền. Cái gì không giải quyết được bằng rất nhiều tiền thì giải quyết bằng rất rất rất nhiều tiền". Nên cuộc đời tôi chỉ lao đi kiếm tiền!
Tại Thế Giới Di Động, người ta làm 8 tiếng, nhưng tôi chưa bao giờ làm từng đó. Ở Thế Giới Di Động, tôi nổi tiếng lắm, đi suốt 63 tỉnh thành, là người đứng lớp giảng dạy, đem phụ kiện về bán để mọi người trong công ty có tiền nhiều hơn. Tức lúc sinh viên, tôi tự đặt mục tiêu chơi với đứa giỏi nhất và giỏi hơn nó.
Tôi không quan tâm bạn đó là ai, chỉ cần biết bạn đó giỏi thôi thì sẽ tìm mọi cách tiếp cận bạn đó, chơi thật là thân. Cái gì bạn đó biết thì mình học hỏi để biết, cộng với thứ mình biết nữa chắc chắn giỏi hơn bạn. Nên độ lỳ, chai, xấu hổ tôi không có. Tôi chỉ biết một thứ duy nhất, đó là mục tiêu.
Điều đó có 2 mặt, làm mình tốt lên nhưng tính cao ngạo cao kinh khủng, cái lắng nghe rất ít. Khi bạn tin bạn giỏi hơn người ta thì bạn không còn biết lắng nghe nữa. Nên những đứa giàu mà "chết" không phải vì nó dở mà vì nó không nghe được.
Ông làm gì để có nhiều tiền và giàu sớm ở độ tuổi còn rất trẻ?
- Tôi có 2 nguồn thu, thu nhập từ Thế Giới Di Động và buôn bất động sản. Tại Thế Giới Di Động, tôi được thưởng nhiều. Tôi là người đầu tiên trong công ty thời điểm đó được thưởng 1 tỷ đồng, đóng thuế 35% (năm 2011-2012).
Còn về đầu tư, tôi mang tiền đi buôn bất động sản, thế hệ 8X không ai không buôn đất cả. Hồi đó chỉ cần mang 100-200 triệu đồng đi mua đất vùng ven là kiếm bộn tiền.
Nhưng tôi giàu sớm đến từ lanh lẹ buôn bán chứ không phải vì lương thưởng ở Thế Giới Di Động. Ở Việt Nam, dù làm thuê hay làm chủ thì cuối cùng cũng đều giàu lên vì bất động sản.
Tôi từng chứng kiến nhiều người làm kinh doanh tạo doanh số, rồi lấy cớ đi vay tiền mua bất động sản. Thắng thì có thắng đó nhưng từ năm ngoái tới năm nay và có thể cả năm sau là năm trả nghiệp quật cho người nào dính vào bất động sản, trong đó có tôi, nhưng tôi thì nhẹ hơn. Vì tôi đã giác ngộ ra nên dừng lại.
Tôi từng đi chung một số chuyến tu với Lê Cát Trọng Lý, lúc đó Lý hát Đừng mua nhà nhiều hơn mình cần. Tôi rất thích Lý, Lý truyền cho tôi động lực không được mua nhà. Từ đó về sau tôi bán hết, chỉ giữ lại một vài căn làm tài sản thôi.
Ông thấy điều gì không hợp lý mà hình ảnh người kinh doanh bất động sản lại trở nên xấu xí, "hứng nghiệp" như vậy?
- Nhiều người mua nhà rồi đẩy giá nhà lên. Miếng đất đáng lý 500 triệu đồng mà lên 5 tỷ 10 tỷ đồng là do đâu, do con người đội giá lên. Có 1 tỷ đồng vay ngân hàng 3-5 tỷ đồng rồi mua vài căn, đẩy giá lên, ép giá.
Nhà nước đang xử lý đúng. Tin tôi đi, vài tháng tới mới là đỉnh điểm, để những người mới ra trường, người lao động, người trẻ mới có nhà.
Thế Giới Di Động có lẽ đã mang đến cho ông nhiều cơ hội và sự chiêm nghiệm, vậy thì điều gì khiến ông lại nghỉ giữa lúc ở đỉnh cao như thế?
- Mọi người trong công ty lúc đó bất ngờ kinh khủng. Trước khi nghỉ Thế Giới Di Động, tôi đã quyết định ăn chay niệm Phật. Khi đó, tôi không còn tiếp khách nữa, không còn đi "tăng 2, tăng 3", không còn nhiều nỗ lực phải kiếm nhiều tiền.
Tôi cảm nhận rất rõ nét lần cùng đồng nghiệp Thế Giới Di Động đi họp ở Thái Lan, tôi ngồi một góc ăn chay còn đồng đội ăn tiệc linh đình bên cạnh. Tôi bỗng cảm thấy thế giới này không còn thuộc về mình nữa. Mà lúc đó, tôi yêu Thế Giới Di Động kinh khủng, dứt ra rất đau, đau hơn cả việc trong nhà có người thân mất.
Nhưng phải chấm dứt vì cảm thấy lạc lõng và không muốn làm mất hình ảnh của mình trong tập đoàn. Lúc đó, tôi chỉ còn suy nghĩ làm sao để làm chủ cuộc chơi của mình, làm sao để giúp được nhiều người. Như ở Sông Hương Foods bây giờ, không ai có thể rủ tôi ra khỏi nhà sau 18h.
Một người trẻ giàu có, đứng trên hào quang nhưng ông lại chọn ăn chay niệm Phật. Chắc hẳn phải có biến cố gì ghê gớm lắm mới thay đổi con người ông như thế?
- Đúng là có những biến cố ập tới và khiến tôi sợ, muốn đi tu. Tôi xém chút thì lên chùa làm thầy tu nhưng chùa không nhận, vì tôi còn vướng đời tông, còn kiếm tiền, còn nhiều phiền não và còn nhiều người tìm kiếm.
Tự nhiên tôi nhận thấy không muốn làm phiền chùa nữa nên tôi về và phát nguyện. Nguyện đời này kiếp này khi còn hít vô thở ra thì chỉ ăn chay. Nguyện đời này kiếp này khi còn hít vô thở ra thì tu tập theo lời Phật dạy giữ 5 giới: Không nói dối, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dùng chất kích thích.
Tôi đã giữ giới từ 2016 tới bây giờ và nhận ra rằng tôi có ngày hôm nay vì giữ giới, vì tu tập. Tôi thoát ra được con người xấu xí, bệnh hoạn của mình năm trước 30 tuổi. Bạn bè tôi vẫn tiếp tục kiếm tiền, sống cuộc đời phiền não, tóc bạc nhiều, thậm chí có bệnh tật.
Tôi may mắn thoát ra được những điều đó nhờ tu tập, tiền bạc với tôi bây giờ chỉ là phương tiện, có thì tiêu, không thì thôi.
Nhu cầu hàng ngày của tôi rất thấp, ăn rau củ công ty trồng, xe cộ công ty lo. Tôi không biết mình có bao nhiêu tiền, chỉ biết cảm giác đời mình bình an, an lành.
Tu tập ngoài giúp ông hoàn thiện bản thân thì trong kinh doanh có ảnh hưởng gì khác?
- Năm nay tôi 39 tuổi, khởi nghiệp năm nay năm thứ 6, chưa một lần cuộc đời bế tắc, mặc dù có lên có xuống. Cách thức tôi đối diện với bế tắc rất dễ, là chân thực đối diện, không trốn tránh, không luồn lách, không bao biện.
Tôi vẫn thường nói: Người nói hay có người khác nói hay hơn, người nói khéo có người khác nói khéo hơn. Nhưng người nói thật thì không ai thật hơn người đó cả. Tôi vô cùng tâm đắc một điều: Sống mà trời thương thì đường nào cũng tốt, nói lời chân thật thì trời - Phật - Chúa độ cho mình tốt lên.
Đó cũng là giá trị tôi theo đuổi từ khi ăn chay, niệm Phật, giác ngộ tới bây giờ. Hình ảnh của tôi có được ngày hôm nay, cuộc đời tôi có được ngày hôm nay, thậm chí là gia đình tôi có được ngày hôm nay là áp dụng công thức: Nói năng chân thực thì trời Phật độ cho mình tốt hơn.
Giá trị cốt lõi của công ty Sông Hương Foods cũng như vậy. Kể một câu chuyện gần đây nhất, khi công ty xuất khẩu lô cà pháo lên men sang Mỹ, nỗ lực làm việc suốt 6 tháng trời. Ở trong phòng thí nghiệm, nhiệt độ lạnh đủ tiêu chuẩn, cà đạt chất lượng. Sau khi xuất đi, tôi có giữ lại một hũ để ở phòng làm việc, thì nhiệt độ không đảm bảo, cà xuống màu.
Tôi thông báo cho đối tác Mỹ là thu hồi. Mà trời thương tới mức thời điểm đó là lúc Mỹ lạnh nhất, họ bán hết veo rồi, cà không sao cả. Đối tác còn thốt lên: "Trời ơi, anh kỹ tới mức sản phẩm xuất đi mà còn lưu lại hả"? Nhưng với tôi, đó là trách nhiệm của người bán hàng, xuất đi cũng phải lưu lại ở đó để kiểm tra xem sản phẩm có gặp vấn đề gì không, còn báo lại đối tác.
Ông tu tập theo Phật, nhưng Sông Hương Foods lại có các sản phẩm mắm làm từ tôm, cá. Điều này có mâu thuẫn không?
- Khó khăn lớn nhất của tôi khi nhận lời dì dượng tiếp quản công ty gia đình đã qua 3 đời làm nghề là công ty làm mắm tôm, cá. Tôi mất 3 năm đấu tranh tư tưởng vì khi đó mình đã quyết định phát nguyện, tu tập. Sau đó, tôi đả thông tư tưởng.
Tôi nghiệm ra công ty đã ra đời từ năm 1996, hoạt động gần 30 năm. Tôi ăn chay vào ngày 16/3/2016. Không thể nào vì mình ăn chay 6 năm mà đánh đổi gần 30 năm thương hiệu của công ty.
Hàng triệu khách hàng đã sử dụng các món ăn của Sông Hương Foods, không thể vì tôi ăn chay, tiếp nối công ty mà bỏ đi món đó được. Từ đó, tôi nguyện những món gì mà công ty đã làm thì không mở rộng, nếu nó là sát sinh; nếu làm mới thì chắc chắn là món chay.
Do đó, công ty phát triển thêm các loại bánh nậm, bánh lọc nhân tôm chứ không phải nhân thịt, vì trước đó công ty đã làm các sản phẩm từ tôm. Sau 5 năm (từ 2018-2019), công ty cũng đang dịch chuyển từ công ty mắm thành công ty bán các sản phẩm đặc sản gia truyền, an toàn, ngon vị, tiện lợi.
Năm 2022, lần đầu tiên doanh số công ty phụ thuộc vào món bánh, chiếm 70%, trước đó chỉ 3-5%. Từ nay, các loại mắm sẽ chỉ chiếm tối đa 5% doanh số, thậm chí thấp hơn. Tất cả các sản phẩm công ty hướng tới sẽ là sản phẩm bánh và đồ chay như mắm thái chay, cà pháo chay, kim chi cay...
Mang sản phẩm Việt ra nước ngoài thì điều gì là quan trọng nhất?
- Các món này đều phải cấp đông ở nhiệt độ âm 18 độ C, người dùng chỉ cần bỏ lò vi sóng 5-10-20 phút là có thể sử dụng ngay được. Doanh nghiệp sợ nhất là sản phẩm không an toàn. Vì là sản phẩm truyền đời nên ưu tiên đầu tiên là an toàn.
An toàn thực phẩm là điều giúp công ty tồn tại nhiều đời, sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hơi hướng thủ công, đóng gói để giữ được hương vị. An toàn cũng là lợi thế cạnh tranh.
Ông nói nhiều tới các loại bánh, vậy cà pháo sẽ đứng ở vị trí nào?
- Cà pháo đang có doanh số cao thứ 2, cách đây một năm thì đứng số một. Trong 2 năm dịch bệnh, cà pháo có số lượng tiêu thụ tăng đột biến, gấp 30 lần. Tôi cũng từng thuê nhiều nghệ sĩ làm truyền thông sản phẩm và nhận ra rằng sản lượng tiêu thụ chỉ tới mức đó thôi, khó vượt qua được ngưỡng.
Người tiêu dùng không vượt qua được định kiến một chén cà bằng 3 chén thuốc. Tôi nhận ra điều đó và quyết định quay trở lại nhìn các sản phẩm xem còn gì phát triển được. Tôi tìm ra bánh nậm, bánh lọc, bánh gai...
Quyết định phát triển các loại bánh, với tôi cũng rất tình cờ. Đối tác nước ngoài đặt mua mắm, tôi tặng bánh cho họ. Họ khen ngon nức nở. Thế là tôi làm giấy tờ cho bánh đi xuất khẩu, lô đầu tiên 30 thùng, lô thứ 2 được 300 thùng và lô thứ 3 là 1 container 3.000 thùng. Từ lúc đó, tôi xác định bánh là sản phẩm chủ lực của Sông Hương Foods.
Như vậy là nỗ lực chứng minh cà pháo không có hại, mong muốn xóa bỏ định kiến của ông đã thất bại?
- Năm nay cà pháo vẫn tăng trưởng nhưng so với bánh thì nhỏ hơn. Nỗ lực của tôi không phải không thành mà chỉ là hành trình kéo dài hơn thôi. Tôi sẽ cố gắng chứng minh nó cho tới khi tôi rời khỏi thế gian này. Tôi sẽ nỗ lực tới cùng cho đến khi cà pháo trở thành một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, như kim chi của người Hàn Quốc.
Tôi vẫn ăn cà pháo mỗi ngày 3-4 trái và quay video lại. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy và có niềm tin với cà pháo.
Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, nó không thể nuôi sống công ty. 240 con người ở công ty này chờ tôi làm cho công ty ngày càng lớn mạnh, có thể nuôi sống 240 gia đình. Tôi không thể để công ty không biết phải làm gì, không thể để công ty không phát triển được.
Tổng thể định hướng các loại sản phẩm của công ty trong tương lai ra sao?
- Trong 4 tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu của công ty tăng 24-25%, trong nước giảm 10-30%. Ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, tôi sẽ đưa thêm sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ như GS 25, Circle K, Seven Eleven.. Tôi làm không phải vì muốn kiếm thêm doanh số mà muốn phục vụ người dân trong nước có bữa ăn chất lượng.
Trong năm 2022, doanh số xuất khẩu của công ty đạt hơn 60.000 USD. Năm nay, chuyến xuất khẩu đầu tiên đạt 240.000 USD, cả năm dự kiến đạt 1,5-2 triệu USD.
Tôi luôn tâm niệm: Xa quê hương, nhớ mẹ hiền, có tiền chắc gì ăn được đồ quê hương. Sau khi bánh lọc được xuất đi Mỹ, có khách bảo sao nó giống ở Huế quá vậy. Tôi đã reo lên: Thành công rồi.
Từ động lực đó, 3 năm tiếp theo, công ty sẽ phát triển vườn cà ở Tây Ninh, trở thành điểm tham quan dưới chân Núi Bà Đen. Hai là phát triển các loại bánh, gọi chung tên là bánh dumpling (bánh nậm, bánh lọc Huế, bánh gai, bánh giò…). Sắp tới công ty còn có kem chuối, chuối chiên, xôi chiên...
Những thứ thường trực người Việt ăn hàng rong, vỉa hè, sẽ được bán ở Mỹ, Nhật, Úc và nhiều nước khác trên toàn thế giới. Khách hàng của công ty sẽ là những người liên quan tới Việt Nam, như chồng Việt kiều, vợ Việt kiều hay người Hoa kiều, Nhật kiều.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nội dung: Khổng Chiêm
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Đỗ Diệp