Nữ bác sĩ người Việt và phương pháp cấy chỉ nổi tiếng châu Âu

Bằng phương pháp cấy chỉ, Bác sĩ Lê Thúy Oanh đã chữa trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân ở châu Âu và Việt Nam.

Người phụ nữ Việt có đôi mắt to, sáng, hiền hậu với đôi bàn tay diệu kỳ đã chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân ở châu Âu và Việt Nam bằng y học cổ truyền – cấy chỉ. Chị là Bác sĩ Lê Thúy Oanh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hungary.

Năm 1989, Bác sĩ Thúy Oanh nhận lời mời của “Viện Khớp vật lý trị liệu Hungary” làm chuyên gia giảng dạy và điều trị. Ngay từ khoảng thời gian đó, Chị đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước chú ý đến vì mạnh dạn áp dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị.

“Tôi được mời sang đây để làm nghiên cứu chứ người ta không biết gì về cấy chỉ. Tôi giới thiệu với họ phương pháp cấy chỉ ưu việt hơn châm cứu, nhưng họ không đồng ý. Trong 1 năm đầu tiên có một số trường hợp tôi làm cùng với các giáo sư Trung Quốc cũng được mời sang viện. Các GS Trung Quốc cũng không biết cấy chỉ và có những bệnh nhân họ chữa hàng năm trời nhưng không tiến triển. Tôi đã nói với các đồng nghiệp là có phương pháp này tốt hơn, hiệu quả hơn. Tôi được các đồng nghiệp rất ủng hộ, dù Giám đốc không cho phép nhưng tôi vẫn cứ làm” – BS Oanh nhớ lại.

Đến năm 1992, phương pháp này rất tốt lên thì TV Hung bắt đầu phát chương trình này lên. Và cũng năm đó chị được ghi danh trên Tạp chí “Ai là ai”. Từ đó, tại Hungary và các nước châu Âu bắt đầu có cụm từ “cấy chỉ Việt Nam” và phương pháp Lê Thúy Oanh.

BS Thúy Oanh đang khám bệnh cho bệnh nhân người Hungary
BS Thúy Oanh đang khám bệnh cho bệnh nhân người Hungary

Thực ra, cấy chỉ xuất phát điểm từ ở cả Việt Nam và Trung Quốc nhưng không phải như bây giờ mà phải rạch da rồi đặt chỉ vào. Phương pháp này áp dụng cách nay khoảng 80 năm, rất phức tạp, phải thực hiện trong phòng phẫu thuật chứ không thể làm trong một phòng khám bình thường được. Bệnh nhân thì phải được gây tê, thậm chí gây mê. Những bệnh nhân là thương binh bị teo cơ rất nặng, chỉ làm được 1 vài chỗ, 4-5 chỗ là tối đa. Còn với phương pháp mới, BS Oanh có thể cấy chỉ ở 40-50 huyệt (với những người liệt toàn thân) mà không phải gây tê.

Trước đó, vào năm 1982, GS Tài Thu – là người thầy của BS Lê Thúy Oanh, cấy chỉ cho bệnh nhân bằng kim chọc dò tủy sống, nhưng vì kim to gây chảy máu rất nhiều và phải tiêm thuốc tê. Bệnh nhân rất sợ, người nào dũng cảm mới dám làm, vì phải chịu 2 lần đau.

Sau đó, BS Thúy Oanh cải tiến bằng kim truyền máu của Pháp, không cần phải gây tê. Còn loại kim hiện nay được BS Thúy Oanh sử dụng là do Đức sản xuất. Kim nhỏ có thể bảo đảm cấy chỉ cho các em bé 1,5 tháng tuổi mà không cần phải gây tê. Bệnh nhân không đau đớn và hiếm khi bị chảy máu.

“Đối với các nước châu Âu có nền y học hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ rất thích phương pháp này. Hàng tháng, phòng khám của tôi có từ 50-60 bác sĩ sang chữa, thậm chí bác sĩ từ Đức sang. Phương pháp này trước đây ở Việt Nam người ta nghiên cứu là chữa đau chân, đau tay, hen phế quản, tự kỷ…. nhưng chúng tôi chữa cho cả các bệnh nhân ung thư, với trên 4.000 bệnh nhân. Chúng tôi không nói chữa khỏi nhưng tiêu chí chống viêm, giảm đau, tăng cường miễn dịch và kéo dài tuổi thọ thì bệnh nhân của chúng tôi có người di căn 6 chỗ, 4 lần mổ và bác sĩ Hungary trả về vì sẽ chết trong 2-3 tuần. Nhưng đến bây giờ 25 năm vẫn sống khỏe mạnh” – BS Oanh chia sẻ.

Hay trường hợp cháu bé chân cong không đi được do các khớp từ gối, háng có vấn đề bẩm sinh, phải túm, giữ đằng sau để cháu đứng. Sau đó cháu đi được theo kiểu vẹo vọ người và hiện nay cháu 17 tuổi, chân thẳng, đi lại bình thường.

BS Thúy Oanh (trái) tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân
BS Thúy Oanh (trái) tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân

Hiện nay, BS Thúy Oanh và các đồng nghiệp đã chữa cho khoảng 600 ca vô sinh thành công. Nhiều người trong số này đã từng cấy ống nghiệm hàng chục lần và đã lớn tuổi nhưng khi được cấy chỉ vẫn thành công, có con. “Chúng tôi có bệnh nhân từ Canada, Mỹ sang đây để chữa vô sinh” – BS Thúy Oanh tự hào nói.

Vì sao các nước châu Âu có nền y học hiện đại lại tin kết quả điều trị bằng cấy chỉ? Trả lời câu hỏi này, BS Thúy Oanh cho biết: “Tất cả các bệnh nhân đến đây đều có kết quả chẩn đoán của bệnh viện bằng máy móc hiện đại như chụp X quang, MRI… Khi bệnh nhân điều trị, ngoài những cảm nhận tự thân thì chính các bác sĩ cũng thấy kết quả điều trị bằng việc kiểm tra lại trên máy móc. Chính vì thế mà họ tin tưởng vào phương pháp cấy chỉ chứ không phải chỉ nói suông”.

Bác sĩ Thúy Oanh đã có lần được mời vào Quốc hội Hungary. Khi đó, các nghị sĩ đề nghị chị cho ý kiến về việc làm thế nào để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam – Hungary trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao… “Tôi trả lời rằng tôi là bác sĩ không biết làm kinh tế nhưng tôi đề nghị đưa các phương pháp này vào các bệnh viện của Hung để chữa bệnh cho người dân vì nó hiệu quả và có ý nghĩa kinh tế-xã hội rất lớn. Thực tế, đã có nhiều Nghị sĩ từng được tôi chữa bệnh bằng phương pháp cấy chỉ, chứng kiến hiệu quả của phương pháp này nên họ đã đồng ý”.

Ngoài công việc ở Hungary, BS Thúy Oanh còn thường xuyên về nước để giúp các Trung tâm nạn nhân chất độc da cam để cấy chỉ. Tại làng Hòa Bình, Hương Canh, Vĩnh Phúc, BS Thúy Oanh đã có mặt và giúp đỡ trung tâm từ năm 2008 đến nay. Tay nghề của các y, bác sĩ tại Trung tâm hiện nay đã rất tốt, chữa trị cho nhiều cháu bị liệt là con của bộ đội, thương binh phục hồi trí nhớ, vận động.

Chia tay chị trong cái rét thấu xương giữa mùa đông châu Âu, cái bắt tay của chị khiến lòng tôi ấm lại: “Tôi sẵn sàng dạy miễn phí cho những cơ sở từ thiện về phương pháp này” – BS Oanh nói./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN