Những người ăn thịt và ăn rau – ai sống lâu hơn?

(Dân trí) - Một nghiên cứu đã theo dõi gần 100.000 người Mỹ trong 5 năm phát hiện được rằng, trong thời gian nghiên cứu, những người không ăn thịt sẽ ít có khả năng tử vong hơn – không kể nguyên nhân tử vong là gì – so với những người ăn thịt.

Những người ăn thịt và ăn rau – ai sống lâu hơn? - 1

Khả năng sống lâu của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Trong các nghiên cứu về những cặp song sinh giống hệt nhau, các nhà khoa học ước tính rằng chưa đến 30% các ảnh hưởng này do yếu tố di truyền, có nghĩa là môi trường là nhóm các nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng sống thọ của mỗi người.

Trong nhiều yếu tố môi trường có thể tác động đến tuổi thọ, một số yếu tố đã được nghiên cứu và tranh luận rất nhiều, chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng. Ví dụ như, hạn chế calo là một lĩnh vực đang được nghiên cứu.

Cho đến nay, các nghiên cứu dường như cho thấy rằng hạn chế calo có thể làm tăng tuổi thọ, ít nhất là đối với những sinh vật nhỏ bé. Tuy nhiên, những gì đúng với loài chuột cũng không nhất thiết sẽ xảy ra ở con người.

Những gì chúng ta ăn – vấn đề đối kháng với số lượng chúng ta ăn – cũng là một chủ đề nghiên cứu nóng hổi và việc tiêu thụ thịt cũng thường được đặt dưới ống kính hiển vi.

Một nghiên cứu đã theo dõi gần 100.000 người Mỹ trong 5 năm phát hiện được rằng, trong thời gian nghiên cứu, những người không ăn thịt sẽ ít có khả năng tử vong hơn – không kể nguyên nhân tử vong là gì – so với những người ăn thịt.

Hiệu ứng này đặc biệt đáng chú ý ở nam giới.

Một số phân tích tổng hợp – trong đó kết hợp và tái phân tích dữ liệu từ một vài nghiên cứu khác nhau – cũng cho thấy rằng chế độ ăn ít thịt có liên quan tới tuổi thọ cao hơn, và những người không ăn thịt trong thời gian càng dài thì càng nhận được nhiều ích lợi hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm này. Một vài nghiên cứu cho thấy những khác biệt rất nhỏ hoặc thậm chí không có khác biệt nào về tuổi thọ giữa những người ăn và không ăn thịt.

Điều rõ ràng là có các bằng chứng cho thấy rằng các chế độ ăn không thịt có thể làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề đối với sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và thậm chí là cả bệnh ung thư.

Có một số bằng chứng cho thấy rằng, chế độ ăn chay tiêu chuẩn có thể mang đến mộ số bảo vệ bổ sung. Những phát hiện này dễ dàng giải thích cho các chẩn đoán về các vấn đề sức khỏe, chứ không phải nguyên nhân tử vong.

Vì vậy, chúng ta có thể tự tin khi nói rằng tránh ăn thịt sẽ kéo dài tuổi thọ của bạn? Câu trả lời đơn giản là: Không hẳn như vậy.

Vấn đề rõ ràng đầu tiên là, khi so sánh với các sinh vật khác, con người sống lâu hơn rất nhiều. Điều này khiến cho việc thực hiện các nghiên cứu về ảnh hưởng của bất kỳ điều gì tới tuổi thọ của con người trở nên rất khó khăn (rất khó để có thể tìm được một nhà khoa học sẵn sàng chờ đợi 90 năm để hoàn thành nghiên cứu)

Thay vào đó, các nhà khoa học thường xem lại hồ sơ sức khỏe có sẵn hoặc tuyển các tình nguyện viên cho nghiên cứu trong những khoảng thời gian ngắn hơn, đo tỷ lệ tử vong và kiểm tra xem nhóm nào – về mặt trung bình – có nhiều khả năng chết trước.

Từ dữ liệu này, họ đưa ra các tuyên bố về hiệu quả của những hoạt động nhất định đối với tuổi thọ, trong đó có việc tránh ăn thịt.

Do đó lại có một số vấn đề với phương pháp tiếp cận này. Đầu tiên, việc tìm kiếm một liên kết giữa 2 thứ - chẳng hạn như ăn thịt và chết sớm – không có nghĩa là một điều này sẽ là nguyên nhân gây ra điều còn lại.

Hay nói cách khác, tương quan nhân – quả luôn luôn không giống nhau. Có lẽ ăn chay và tuổi thọ có liên quan với nhau, nhưng có thể có một biến số khác giải thích cho mối quan hệ này.

Lấy ví dụ, đó có thể là do những người ăn chay thường tập thể dục nhiều hơn, hút thuốc ít hơn và uống rượu ít hơn so với những người ăn thịt.

Các nghiên cứu về dinh dưỡng cũng dựa vào sự ghi chép chính xác và trung thực của các tình nguyện viên về lượng thức ăn mà họ ăn vào. Tuy nhiên, điều này không thể được coi là hiển nhiên. Vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mọi người thường có xu hướng thông báo ít đi về lượng calo và nói quá lên về lượng thực phẩm lành mà mà họ tiêu thụ thực tế.

Nếu không kiểm soát được chế độ dinh dưỡng của những người tham gia nghiên cứu và theo dõi tuổi thọ của họ, rất khó để có thể tin tưởng tuyệt đối vào những kết quả phát hiện đó.

Vậy thì, chúng ta có nên tránh ăn thịt để có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh?

Chìa khóa để có một tuổi già khỏe mạnh có lẽ nằm trong môi trường của chúng ta, bao gồm cả những gì mà chúng ta ăn vào.

Từ những bằng chứng sẵn có rằng, một chế độ ăn không có thịt có thể góp phần vào điều này, và việc tránh ăn thịt chắc chắn có thể làm tăng cơ hội tránh khỏi bệnh tật khi bạn có tuổi.

Tuy nhiên, cũng có những bằng chứng cho thấy rằng, điều này có thể có hiệu quả đồng thời nếu tránh các hoạt động mang lại nguy cơ rõ ràng, chẳng hạn như hút thuốc.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học của Bệnh viện tổng hợp Massachusetts (Mỹ) thực hiện trên hơn 130.000 người trong 30 năm cho thấy rằng, cứ tăng thêm 3% lượng calo lấy từ thực vật thì sẽ làm giảm nguy cơ tử vong 10%, và làm giảm nguy cơ tử vong tới 12% đối với bệnh tim. Ngược lại, nếu tăng tỷ trọng protein động vật trong chế độ ăn lên 10%, thì có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn 2% do bất kể nguyên nhân gì, và con số này tăng lên tới 8% đối với bệnh tim.

Tiến sĩ Mingyang Song, trưởng nhóm nghiên cứu này cho rằng “phát hiện này cho thấy mọi người nên ăn nhiều protein thực vật hơn, và nếu họ muốn ăn protein từ động vật thì cá và thịt gà sẽ là lựa chọn tốt hơn”.

Anh Thư (Tổng hợp)