Mối liên quan giữa việc nuôi mèo và nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phân tích 17 nghiên cứu đã được công bố trong 44 năm qua và cho biết nuôi mèo có thể khiến người chủ tăng gấp đôi rủi ro bị rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt.

Nhà tâm thần học John McGrath và nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe tâm thần Queensland, Úc đã rà soát 17 nghiên cứu được tiến hành ở 11 nước, trong đó có Anh và Mỹ, cho biết họ đã tìm thấy mối liên quan giữa việc nuôi mèo và việc mắc các rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt.

Năm 1995, một nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng việc sở hữu mèo có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt do người chủ tiếp xúc với ký sinh trùng Toxoplasma gondii, nhưng đến nay, công tác nghiên cứu đã đưa ra thêm một số kết luận khác.

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng một đứa trẻ chơi với mèo trong nhiều năm thì có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao hơn (Theo Unsplash).

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng một đứa trẻ chơi với mèo trong nhiều năm thì có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao hơn (Theo Unsplash).

Một số nghiên cứu cũng liên kết việc tiếp xúc với mèo với các mức điểm đo lường khả năng mắc căn bệnh này, trong đó có việc ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người đó, và những trải nghiệm giống như loạn thần. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều tìm thấy mối liên hệ đó.

Để có cái nhìn chính xác hơn, nhà tâm thần học McGrath và nhóm nghiên cứu cho rằng cần xem xét và phân tích kỹ lưỡng tất cả những nghiên cứu đó.

Toxoplasma gondii (T. gondii) là một loại ký sinh trùng hầu như vô hại, có thể lây truyền qua thịt sống hoặc nước bị nhiễm ký sinh trùng này. Nó có thể lây truyền qua vết cắn của mèo hoặc phân của mèo nhiễm T. gondii.

Người ta ước tính có khoảng 40 triệu người ở Mỹ có khả năng lây nhiễm và thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm thấy nhiều tác động lạ hơn mà việc nhiễm ký sinh trùng này có thể gây ra.

Khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta, T. gondii có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh. Ký sinh trùng này có liên quan đến sự thay đổi tính cách, sự xuất hiện các triệu chứng loạn thần và một số rối loạn thần kinh, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt.

Tuy nhiên, chỉ một mối liên hệ thì không đủ chứng minh được rằng T. gondii là nguyên nhân gây ra những thay đổi đó hoặc ký sinh trùng này chính là từ mèo lây sang người chủ.

"Việc phân tích kỹ lưỡng 17 nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ rất tích cực giữa việc sở hữu mèo và nguy cơ gia tăng rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt. Sau khi điều chỉnh các yếu tố đồng biến, chúng tôi phát hiện ra rằng những người tiếp xúc với mèo có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt gần gấp đôi." - nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo.

Có một số điều cần lưu ý, chẳng hạn như trong 17 nghiên cứu nói trên thì 15 trong số đó là nghiên cứu bệnh chứng.

Các nghiên cứu bệnh chứng không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả, và thường không xem xét những thứ có thể ảnh hưởng đến cả mức độ phơi nhiễm, tiếp xúc và kết quả của việc phơi nhiễm. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng được cho là chất lượng thấp, và các phát hiện rút ra từ các nghiên cứu này không giống nhau.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng không có mối liên hệ đáng kể nào giữa việc sở hữu mèo trước và sau khi người chủ đủ 13 tuổi với việc phát triển bệnh tâm thần phân liệt sau này, nhưng lại tìm thấy mối liên hệ đáng kể nếu chỉ xét những người chủ có mèo trong giai đoạn người đó từ 9 đến 12 tuổi. Sự không nhất quán này cho thấy khung thời gian tiếp xúc với mèo không được xác định rõ ràng.

Nghiên cứu ở Mỹ, với sự tham gia của 354 sinh viên ngành tâm lý học, đã không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sở hữu mèo và điểm đánh giá khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, những người bị mèo cắn có điểm số cao hơn những người không bị mèo cắn.

Một nghiên cứu khác có sự tham gia của những người không bị rối loạn tâm thần và có bị rối loạn tâm thần, thì phát hiện ra mối liên hệ giữa việc bị mèo cắn với điểm số cao hơn, nhưng cũng cho rằng các mầm bệnh khác như là tụ huyết trùng Pasteurella multocida có thể là nguyên nhân.

Các tác giả nhất trí rằng cần có thêm nghiên cứu rộng và sâu hơn để có thể khẳng định những phát hiện trên. Họ viết trong báo cáo rằng "nghiên cứu của chúng tôi cho rằng có mối liên hệ giữa việc sở hữu mèo với các rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt. Cần có thêm các nghiên cứu chất lượng cao, dựa trên các mẫu đại diện lớn để hiểu rõ hơn việc sở hữu mèo như một yếu tố có thể làm thay đổi nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần."

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí "Bản tin bệnh tâm thần phân liệt".

Theo ScienceAlert