"Lục địa đen" và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch

Minh Khôi

(Dân trí) - Vai trò của châu Phi từ lâu đã nổi lên như một khu vực tiềm năng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Bước ngoặt quan trọng về đầu tư năng lượng xanh

Lục địa đen và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch - 1

Một cuộc biểu tình chống lại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra ở châu Phi nhằm phản đối việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực, đồng thời yêu cầu các chính phủ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Nairobi, Kenya ngày 4/9 (Ảnh: Reuters).

Mới đây, các nhà lãnh đạo tài chính và kinh doanh cho biết châu Phi đang ở bước ngoặt quan trọng, khi châu lục này thậm chí có tiềm năng vượt lên dẫn đầu về năng lượng xanh.

Được biết, châu Phi từ lâu đã nổi lên khi sở hữu rất giàu các mặt hàng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và có nguồn năng lượng Mặt Trời dồi dào.

Tuy nhiên, nhiều chính phủ tại đây đang phải gánh khoản nợ cao ngất ngưởng, khiến cho việc áp dụng các giải pháp trở nên khó khăn.

Một thực tế khó chấp nhận ở châu Phi là khu vực này hiện chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 4% lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới, nhưng lại đang hứng chịu một số tác động đáng kể nhất của biến đổi khí hậu.

Bán đảo Somalia ở vùng Đông Phi đang bước vào mùa mưa thất bại thứ 5 liên tiếp, dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, bão Freddy, một trong những cơn bão nguy hiểm nhất từng tấn công châu Phi trong 20 năm qua, đã càn quét qua nhiều quốc gia như Malawi, Mozambique và Madagascar vào cuối tháng 2.

Lục địa đen và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch - 2

Châu Phi có tiềm năng vượt lên dẫn đầu về năng lượng xanh do nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng (Ảnh: Getty).

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP) diễn ra năm ngoái ở Sharm el-Sheikh (Ai Cập), nhiều quốc gia đã cam kết thiết lập cơ chế cung cấp tài trợ thiệt hại và mất mát cho các nước đang phát triển, nhưng đến nay vẫn gặp bế tắc ở nguồn kinh phí.

"Về mặt tổn thất và thiệt hại ở châu Phi, chúng tôi phải đưa ra một số quyết định thực sự quan trọng ngay bây giờ", Tom Mitchell, Giám đốc điều hành Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế cho biết tại hội nghị ở London.

"Chúng ta đã thấy các nước đang phát triển phải trả nhiều khoản nợ hơn cho các nước giàu. Điều này trái ngược với mức mà họ mong đợi sẽ nhận được từ hỗ trợ tài chính do biến đổi khí hậu".

Sanjeev Gupta, Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Tài chính châu Phi, khẳng định: "Có một số các quốc gia dễ bị tổn thương ở châu Phi. Những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu với họ sẽ rất thảm khốc, thậm chí có thể đạt đến mức độ diệt chủng".

Tiềm năng lớn với nguồn năng lượng tái tạo

Một số tổ chức uy tín cho rằng, các quốc gia ở châu Phi có thể giải quyết khủng hoảng khí hậu nhờ vào thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi sở hữu nhiều khoáng chất quan trọng, bao gồm coban được sử dụng trong pin xe điện và là nơi có 60% tài nguyên năng lượng Mặt Trời tốt nhất hành tinh.

Thế nhưng trái với thực tế này, châu Phi lại chỉ đang nhận được 2% chi tiêu năng lượng xanh toàn cầu.

Lục địa đen và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch - 3

Quá trình chuyển đổi năng lượng phải đối mặt với 2 thách thức quan trọng: Hiện đại hóa và mở rộng (Ảnh: Getty).

Cristina Gamboa, Giám đốc điều hành của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, cho biết các thành phố ở châu Phi có thể sẽ ở vị trí thuận lợi hơn khi dân số bùng nổ.

"Họ đã nhận ra rằng việc đi tắt đón đầu và bước vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ngay bây giờ là một hướng đi tốt", chuyên gia này cho biết.

Thế nhưng, một thách thức lớn đó là các quốc gia tại đây vẫn thiếu trầm trọng các khoản đầu tư cần thiết để hoàn tất mục tiêu.

Ước tính đến năm 2050, 80% cơ sở hạ tầng mà châu Phi cần để tận dụng nguồn năng lượng tái tạo có thể vẫn chưa được xây dựng.

Tranh cãi về đầu tư nhiên liệu hóa thạch

Một vấn đề khác tại châu Phi, đó là việc loại bỏ đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch một cách hoàn toàn đang gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ.

"Thế giới vẫn cần an ninh năng lượng, thế giới vẫn cần sự đa dạng về nguồn năng lượng. Không có sự kết hợp năng lượng nào trên thế giới trong 50 năm tới nói rằng sẽ không có dầu khí", Sanjeev Gupta lập luận.

"Chúng ta không thể và sẽ không thể làm ngơ trước việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch ở châu Phi, vì nhu cầu phát triển của lục địa này là rất lớn".

Một báo cáo do tổ chức từ thiện ActionAid cho biết, các ngân hàng trên thế giới đã chi khoảng 3,2 nghìn tỷ USD cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ở các nước Nam bán cầu trong 7 năm kể từ thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Thỏa thuận này nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "dưới" 2 độ C bằng cách cắt giảm lượng khí thải.

Lục địa đen và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch - 4

Đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường (Ảnh: Getty).

Mặc dù nhiên liệu hóa thạch là một phần không thể thiếu trong đời sống cũng như sản xuất của con người nhưng chúng lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Theo số liệu thống kê tại Mỹ, hơn 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Mỗi năm, đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn khí CO2, trong đó tự nhiên hấp thụ 1 nửa nên còn khoảng 10, 65 tỉ tấn khí CO2 thải vào trong bầu khí quyển.

Đồng thời khi đốt nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra nhiều chất ô nhiễm khác như oxit nitơ, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các kim loại nặng… gây ô nhiễm không khí.

Theo www.reuters.com