Làm việc toàn thời gian có thể có hại cho não

(Dân trí) - Làm việc nhiều giờ từ thứ hai đến thứ sáu sẽ khiến bạn mệt mỏi cho dù bạn bao nhiêu tuổi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu bạn ngoài 40 tuổi, làm việc hơn 25 giờ một tuần thực sự có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của bạn.

Làm việc toàn thời gian có thể có hại cho não - 1

Sau khi khảo sát 6.500 người lao động ở Úc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người lao động có trí óc minh mẫn nhất khi làm việc khoảng ba ngày một tuần và bất cứ điều gì nhiều hơn thế đều liên quan đến sự suy giảm trí nhớ và trí thông minh.

Điều thú vị là làm việc ít hơn 25 giờ cũng liên quan tới điểm số nhận thức thấp, đưa các nhà nghiên cứu cho rằng hiệu suất làm việc thay đổi khi bạn vượt quá một độ tuổi nhất định.

Để đi đến kết luận này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiến hành một cuộc khảo sát trong đó 3.000 nam giới và 3.500 phụ nữ Úc ngoài 40 tuổi được đề nghị làm ba bài kiểm tra: bài kiểm tra khả năng nhớ, bài kiểm tra khả năng đọc và bài kiểm tra khả năng nhận thức.

Colin McKenzie, nhà khoa học tham gia nghiên cứu đến từ Đại học Keio (Nhật Bản), cho biết: “Trong cả ba bài kiểm tra, nhóm nghiên cứu tìm thấy rằng làm việc khoảng 25 đến 30 giờ mỗi tuần sẽ phát huy tối đa kỹ năng nhận thức của bạn. Về hoạt động nhận thức, làm việc quá nhiều còn tệ hơn không làm gì cả. Khi bắt đầu, công việc kích thích các tế bào não. Sự căng thẳng liên quan đến công việc dẫn tới những thay đổi về mặt thể chất và tâm lý tại một thời điểm nào đó và điều này ảnh hưởng đến những lợi ích mà bạn thu được từ công việc”.

Vậy làm việc quá nhiều ảnh hưởng không tốt đến chúng ta như thế nào? Nghiên cứu này chỉ tìm hiểu mối liên quan giữa giờ làm việc và hiệu suất làm việc mà không nghiên cứu những gì có thể gây ra sự thay đổi này, vì vậy vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn rằng chính công việc làm giảm hiệu suất trí tuệ.

Tuy nhiên, mức độ suy giảm nhận thức liên quan đến giờ làm việc kéo dài là như nhau ở cả nam và nữ và chỉ có số giờ làm việc dường như giải thích được sự khác biệt về hiệu suất trí tuệ ở những người tham gia nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết điều này là do căng thẳng và thiếu ngủ. Căng thẳng đã được biết đến trong nhiều thập kỷ ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của chúng ta thông qua việc sản xuất ra hormone - và các nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài có thể gây ra sự suy giảm các tế bào thần kinh trong não. Thiếu ngủ cũng có tác động tương tự, với các nghiên cứu chỉ ra rằng chất trắng trong não có thể thay đổi đáng kể sau một đêm mất ngủ.

Các nhà nghiên cứu chỉ khảo sát người lao động ngoài 40 tuổi trong nghiên cứu này, vì vậy họ không thể nói chắc chắn làm việc bao nhiêu giờ sẽ tác động đến những người trẻ tuổi hơn. Nhưng nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến giai đoạn này của cuộc đời mỗi người và xem nó như những gì mà McKenzie gọi là “những năm kẹp giữa” hai giai đoạn khi mọi người thường phải chăm sóc cả con cái và người thân lớn tuổi - có nghĩa là họ có rất nhiều việc phải làm.

Mặc dù tất cả điều này tạo thêm áp lực nhưng tuổi nghỉ hưu đang bị kéo dài và giờ làm việc trung bình mỗi tuần càng trở nên dài hơn ở hầu hết các nước phát triển - mặc dù không có bằng chứng cho thấy điều này thực sự làm chúng ta có năng suất cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận chính xác rằng chúng ta nên làm việc trong bao nhiêu lâu để có hiệu suất tối ưu - và để kiểm tra xem quá nhiều công việc ảnh hưởng đến thần kinh của chúng ta như thế nào trong suốt cuộc đời của chúng ta.

Hiện nay, các công ty ở Thụy Điển đang thử nghiệm làm việc 6 tiếng một ngày để người lao động của họ đạt được hiệu suất làm việc cao nhất. Hay Quận Ontario của Canada đang thử nghiệm trả một gói lương cho mọi người mỗi tháng chỉ để sống - mà không cần phải làm gì.

Hy vọng rằng khoa học sẽ giúp khôi phục lại một chút cân bằng trong công việc/cuộc sống cho thế giới - bởi vì chúng ta chắc chắn cần nó.

N.L.H-NASATI (Theo Sciencealert)