Hệ thống văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ cồng kềnh, phức tạp

(Dân trí) - Theo đánh giá của Đoàn giám sát-Ủy ban thường vụ Quốc hội thì hệ thống văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ cồng kềnh, phức tạp, lại được liên tục được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo hệ thống cho nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương, các đơn vị, cơ sở.

Đoàn giám sát - Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) được ban hành đã thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, luật hóa quy định của Hiến pháp. Đặc biệt, việc ban hành Luật KH&CN năm 2013 đã được các cấp, ngành, giới khoa học đồng thuận, đánh giá cao, có nhiều quy định mới mang tính đột phá trong chính sách đối với tổ chức KH&CN, xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN, chính sách khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN.


Hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN cồng kềnh, phức tạp (ảnh minh họa)

Hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN cồng kềnh, phức tạp (ảnh minh họa)

Chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN trong các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ cao (CNC), chuyển giao công nghệ (CGCN), sở hữu trí tuệ,... ngày càng được đổi mới và hoàn thiện tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nghiên cứu KH&CN; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành có liên quan đã thường xuyên rà soát, chủ động tổ chức xây dựng và ban hành các nghị định và các thông tư hướng dẫn một số lượng lớn văn bản. Các nội dung sửa đổi đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN; đã giải quyết cơ bản được các vướng mắc, bất cập trong hoạt động KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) đất nước. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực KH&CN đã đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết đã được cải thiện đáng kể…

Văn bản cồng kềnh, phức tạp dẫn đến khó thực hiện

Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN cồng kềnh, phức tạp, lại được liên tục được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo hệ thống cho nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương, các đơn vị, cơ sở.

Thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật hiện hành với văn bản trong lĩnh vực KH&CN (Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật đất đai, các luật về thuế, Luật công chức, ...); chính sách và cơ chế khuyến khích nguồn đầu tư xã hội, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp. Một số quy định của các văn bản pháp luật chưa có quy định đặc thù cho KH&CN (Luật NSNN, Luật đầu tư, Luật đấu thầu,...), chưa thực sự tạo điều kiện để phát triển KH&CN (Chính sách thuế đối với hoạt động KH&CN của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).

Một số nội dung tại các nghị định, thông tư, thông tư liên tịch còn thiếu thống nhất, chưa rõ ràng; có nội dung đã hết hiệu lực nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ban hành chậm 1-2 năm); chưa thực sự sát thực tế như Nghị định 115/2005/NĐ-CP; Nghị định 43/2006/NĐ-CP; Thông tư liên tịch 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN; Thông tư 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN.

Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh: Các quy định và thủ tục thanh toán kinh phí trong KH&CN còn rườm rà và phức tạp, chưa được điều chỉnh kịp thời; định mức chi chưa phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội; thủ tục hành chính trong xem xét, phê duyệt, triển khai thực hiện và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp…

Công tác phối hợp ban hành văn bản và theo dõi, tổng hợp, hướng dẫn thực hiện ở một số Bộ, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, nhất là về đầu tư phát triển cho KH&CN (giữa Bộ KH&CN với Bộ KH&ĐT trong hướng dẫn các địa phương về chi đầu tư phát triển, chưa thống nhất về tiêu chí chi đầu tư phát triển, tổng hợp kinh phí đầu tư phát triển...).

Bên cạnh đó, việc thông tin, tuyên truyền văn bản mới trong lĩnh vực KH&CN chưa được tổ chức kịp thời, thường xuyên, sâu rộng tới các đối tượng thực hiện nên còn có những tổ chức, cá nhân còn chưa quán triệt được đầy đủ nội dung của các quy định đã ban hành.

Đoàn giám sát cũng khẳng định, để xảy ra tình trạng này bất cập này là do nhận thức của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu còn chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của KH&CN và sự cần thiết của KH&CN đối với phát triển KT–XH, cũng như đặc thù của hoạt động KH&CN.

Các quy phạm pháp luật điều chỉnh phát triển KH&CN quy định ở một số văn bản pháp luật khác nhau do nhiều cơ quan ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, do vậy vẫn còn có những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực hiện trong thực tế.

Bên cạnh đó, KH&CN gắn kết chặt chẽ với mọi hoạt động của đời sống KT–XH, đồng thời mang tính đặc thù của từng lĩnh vực, do đó, hoạt động KH&CN sẽ chịu tác động của nhiều văn bản trong lĩnh vực chuyên ngành, khó có văn bản quy định chung, thống nhất cho hoạt động KH&CN trong mọi lĩnh vực.

“Một số quy định trong các luật có liên quan điều chỉnh hoạt động KH&CN cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế và phải tuân thủ trình tự, thủ tục và các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên cũng làm chậm trễ việc ban hành” – Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết.

Nguyễn Hùng