Thầy Khắc Hiếu giải cứu “thần giữ của”

Có không ít bạn học sinh "khóc cạn nước mắt" vì mất tiền quỹ lớp, thậm chí phải… ăn trộm tiền của bố mẹ để đền! Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM đăng đàn chia sẻ nỗi niềm cùng các “thần giữ của”.

Thầy Hiếu ơi, làm sao nói “không” nếu không thích giữ "hầu bao" của lớp?

Vì được bạn bè tín nhiệm nên bạn không thể nói gọn lỏn “không” rất dễ mất tình cảm, từ chối thì cũng phải có lý do thuyết phục nha các bạn!

Thường thì đa số các bạn không muốn "nhiệm chức" thủ quỹ hay từ chối thầy cô hay bạn bè bằng những câu thiếu thuyết phục như "Thôi em không làm đâu, thôi mình không làm đâu" mà không hề đưa ra lý do.
Việc làm thủ quỹ không phải là một việc quá to tát nên mọi người sẽ không quá khó khăn o ép bạn nếu bạn nói rằng "mình không thích" hay "em có tính hay quên và rất hay làm mất tiền, em mà giữ quỹ lớp thể nào cũng mất".

Ngoài ra, nếu bị "dí" quá thì bạn có thể xin phép để hỏi ý kiến bố mẹ và sau đó để bố mẹ lên tiếng từ chối giúp mình cũng là một giải pháp hay.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM.

Thầy chỉ tụi em cách nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ "thần giữ của"?

Nếu thật sự không muốn làm và không hợp với công việc đó thì không nên tự ép mình. Cái gì miễn cưỡng cũng dễ sai sót và khó mà hoàn thành tốt.

Nếu đã lỡ nhận nhiệm vụ rồi, bạn vẫn có thể nói cho giáo viên chủ nhiệm biết để thầy cô có hướng thay thế.

Còn nếu bạn vẫn muốn tiếp tục "chức vụ" thì nên học cách quản lý tiền bạc như sau:

Một là phải có sổ sách nhật ký thu chi. Một trí nhớ tốt không bằng một nét mực mờ.

Hai là bảo quản tiền cẩn thận. Phải để tiền trong ngăn kín nhất, khó bị mất cắp nhất. Không nên để người khác biết mình cất tiền ở đâu.

Không nên lấy ra lấy vào nhiều lần trước mặt mọi người. Nếu lớp chưa cần đến, hãy để tiền ở nhà hoặc đưa bố mẹ cất giữ, chỉ mang theo một lượng tiền nhỏ đủ để sử dụng trong trường hợp linh tinh như photo, mua hoa cắm, mua bông lau bảng.v.v...

Tuyệt đối không dùng quỹ lớp vì mục đích riêng vì dễ gây lẫn lộn, mất mát.

Khi mọi người đã tin tường thì phải hiểu và giúp thủ quĩ

Việc cắt cử học sinh làm cán bộ lớp là đang rèn tập cho học sinh tự quản như một gia đình thu nhỏ, một xã hội thu nhỏ.

Bản thân của những em được giao làm thủ quĩ cũng rèn được cho mình tính cẩn thận, cách quản lý sổ sách chi tiêu. Dụng ý của nhà trường là tốt.

Tuy nhiên, có rất nhiều vị trí và cách thức để rèn luyện cho học sinh. Với nhiệm vụ liên quan đến tiền bạc, tôi nghĩ cần phải suy nghĩ lại.

Thực tế đã có rất nhiều học sinh khóc gần hết nước mắt vì mất tiền quỹ lớp, thậm chí phải ăn cắp tiền của bố mẹ để đền và gần đây là tự tử như trường hợp em C.T. ở Củ Chi.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hiện đang là thần tượng của bạn trẻ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hiện đang là thần tượng của bạn trẻ.

Nếu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ quản lí tiền bạc cho học sinh thì phải hướng dẫn các em cách làm, cách quản lí, cách bảo quản và đặc biệt có cơ chế hỗ trợ cho các em khi sự cố xảy ra.

Nếu đã tin tưởng giao tiền cho em ấy thì cũng phải đủ can đảm để tin rằng em ấy không bịa chuyện mất mát để lấy cắp.

Điều đó có nghĩa là nhà trường phải hỗ trợ em ấy đền bù lại phần lớn quỹ lớp đã mất.

Còn nếu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm không đủ tin tưởng để làm điều đó thì đừng giao nhiệm vụ giữ tiền cho học sinh.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Theo Mực Tím