1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Trăm phương, nghìn cách” mới đến được trường

(Dân trí) - Chiếc xe lam lăn bánh xuất phát, khuôn mặt trẻ thơ của các em học sinh nửa cười, nửa mếu. Hành trình đến trường của các em là những câu chuyện cảm động, khiến người nghe, kẻ thấy không khỏi chạnh lòng.

Những em leo được lên xe với vẻ mặt đầy phấn khởi, tươi tắn, lác đác bên đường còn lại những vẻ mặt tủi thân, lại ngậm ngùi và đưa tay ra vẫy… “cho cháu đi nhờ xe đến trường…”.

 
“Trăm phương, nghìn cách” mới đến được trường - 1

3 năm nay, những cậu bé này vẫn hàng ngày đứng vẫy xe xin nhờ quá giang đến trường.
 

Gần 100 học sinh cấp II, III sinh sống tại KV1 - Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn - Bình Định) đến trường tuy chỉ với khoảng cách 10 cây số nhưng phải dùng trăm phương, nghìn cách mới có thể đến trường học, nhưng cũng ít nhất phải chậm giờ mất 15-30 phút.

 

“Nhà em có hai chị em đi học, ba mẹ ốm yếu không đi bạn (theo thuyền đi biển) được, mỗi ngày mẹ chở ra trường rồi mang theo cơm nắm để chúng em ăn trưa tại trường chứ không về được. Lên lớp 10, thấy mẹ khổ dữ quá, là con gái em nghĩ học đi làm thuê để cho anh học nốt chứ tiền đi xe buýt hàng ngày không có huống gì là tiền học”, em Phạm Thị Thiên Kiều, 16 tuổi ngậm ngùi.

 

Được biết, ngày trước, để vào thành phố, người dân Bãi Xép phải đi ghe qua bến Hàm Tử, nhưng từ khi có Quốc lộ 1D nối liền, rồi tuyến xe buýt Quy Nhơn - Sông Cầu được đưa vào sử dụng, việc đi lại thuận tiện hơn, đường đến trường của các em cũng bớt gian nan.

 

Đấy là sự thật, nhưng với các em học sinh và những gia đình có con em đến trường thì không dễ chút nào.

 

Buổi sáng, tuyến xe buýt đầu tiên đến Bãi Xép sớm nhất cũng sau 6 giờ rưỡi. Để đảm bảo giờ vào lớp, các em phải xuất phát từ nhà lúc 5 giờ, lên Quốc lộ 1D để đón xe đi nhờ. Đến đầu dốc Quy Hòa, các em lại tiếp tục một chặng quá giang con dốc chừng 3km hoặc đi bộ để đến trường. Đến trưa, hành trình lặp lại.

 

“Em bỏ học nhưng tiếc lắm, nhưng không có cách nào để em đến trường được. Tiền học không thì lấy đâu tiền xe buýt cho em đi. Nhà em hễ mưa xuống là cả nhà đành ngồi dậy, không có một chỗ nào nằm được, muốn đến trường mà xe không có, tiền cũng không đành nghỉ học ở nhà theo ba đi biển gần”, em Võ Đình Phùng, 15 tuổi kể chuyện mà hai hàng nước mắt tuôn dài.

 

Còn anh Phan Kỉnh có hai cháu đến trường mà không biết là con đi học bằng cách nào: “Dù xe lạ hay quen cũng thế thôi, miễn là nó tìm cách đến trường là được. Mà may là nhà này con cái ngoan ngoãn, đứa nào cũng tự giác, nếu không tui cũng chịu chứ hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo làm mướn lo cái ăn không kịp, thời gian đâu mà lo việc học cho chúng!”.

 
“Trăm phương, nghìn cách” mới đến được trường - 2

Người đàn ông quê Phú Yên này đã không biết bao nhiêu lần bị các cô, cậu học sinh Ghềnh Ráng 'bắt cóc'. 

 

Ngày nào cũng đi nhờ xe đến trường, với các em, chuyện ấy đã trở thành bình thường. Mỗi em cũng có những “bí quyết”, “kinh nghiệm” và những “mối” quen riêng.

 

“Gần 3 năm đến trường bằng cách quá giang, em và các bạn của mình đã thân thiết với một chú lái xe chở dầu”, em Phúc tự hào.

 

Vẻ mặt các em trở nên háo hức hơn kể từ khi có chiếc xe đò của một số cựu học sinh trường THPT Quang Trung cũ niên khóa (1979-1982) góp kinh phí đầu tư một ngày 4 chuyến xe bắt đầu từ tháng 2 đến hết năm học 2009, sau đó sẽ thu tiền. Vui mừng lẫn lộn, cả phụ huynh lẫn học sinh Bãi Xép đã đỡ được phần nào, nhưng chiếc xe lam chỉ có thể phục vụ được 35 học sinh/lượt. Vì số lượng học sinh các lớp 6,7 đông nên xe chở không hết, đành chia ra một ngày lớp 6, ngày kia chở lớp 7, nên dù muốn hay không thì số còn lại vẫn hành trình… vẫy xe đến trường.

 

Như vậy thì số em may mắn leo được lên xe, có lúc phải hơn 20 người, còn lại đành chấp nhận muộn học chờ xe buýt, vẫy xe quá giang…

 

Từ chân dốc Quy Hòa, các em vừa chạy vừa vẫy tay, ai dừng lại là nhanh chóng lên xe, gặp người về thẳng Bãi Xép là may mắn; nếu không, đến đầu dốc, xuống xe, lại quá giang chặng thứ hai.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thành, Khu vực trưởng KV1 cho hay: “Gần 1.000 dân Bãi Xép sống chủ yếu bằng nghề đi biển, mấy năm biển mất mùa mức sống dân rất thấp, giao thông lại cách trở nên từ trước tới nay con em trong thôn thường chỉ học hết bậc tiểu học. Gần đây số học sinh bậc trung học cơ sở có tăng lên đáng kể, còn trung học phổ thông lác đác một vài em”.

 

“Mang tiếng có đường quốc lộ nhưng lại là đoạn đường núi ngoằn nghèo với những con dốc lớn, các cháu không tài nào đạp xe nổi, đi xe buýt thì muộn giờ học nên các cháu tự chọn cách… quá giang xe qua đường” - ông Thành thở dài.

 

Hà Khê