1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thầy Đỗ Việt Khoa đạt 0% tín nhiệm nơi công tác:

“Tôi buồn nhưng không thất vọng”

(Dân trí) - Thông tin thầy Đỗ Việt Khoa “chống tiêu cực” chỉ <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/4/174426.vip">đạt 0% tín nhiệm tại nơi công tác</a>, trong khi tại nơi cư trú là 76%, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Tại sao thầy Khoa lại bị “mất lòng” đồng nghiệp đến vậy?

Chiều 12/4, Dân trí đã có buổi trò chuyện với thầy Đỗ Việt Khoa, câu chuyện chủ yếu xoay quanh số phiếu “0% tại nơi công tác” của thầy.

 

Tôi thật sự ngỡ ngàng

 

“Tôi đã chuẩn bị trước tinh thần hội nghị lấy tín nhiệm tại trường nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 40% cử tri là không ủng hộ. Con số tuyệt đối (không ủng hộ - PV) khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi rất buồn, đó là sự thật. Không thể nói là không buồn khi bao tâm tư, nhiệt huyết tôi gửi gắm vào đó mà không mảy may màng đến danh lợi. Tôi buồn bã nhưng không hề thấy thất vọng”, thầy Khoa mở đầu câu chuyện.

 

Từ trước tới nay, thầy có khúc mắc gì với nơi mình công tác không?

 

Tôi đã có rất nhiều lần phê phán Ban giám hiệu nhà trường bởi những tồn tại mà trường đang vướng phải. Cụ thể, nhà trường vẫn thu 40.000 đồng/học sinh quỹ hội phụ huynh để chi cho giáo viên nhân ngày 20/11 và Tết âm lịch; thu 15.000 đồng/học sinh cho quỹ tài năng; vẫn ép học sinh phải học phụ đạo tốt nghiệp (phải đóng tiền); vẫn yêu cầu những giáo viên cho học sinh có điểm kiểm tra học kỳ I dưới 5 được kiểm tra lại để nâng điểm…

 

Và thực tế, cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau khi tôi kiên quyết tố cáo tiêu cực tại mùa thi năm 2006.

 

Thầy Khoa: công ít, tội nhiều?

 

Theo biên bản hội nghị cử tri của trường THPT Vân Tảo ghi lại các ý kiến nhận xét về ứng viên Đỗ Việt Khoa ngày 28/3 có tổng cộng 7 người có ý kiến. Gồm các ông: Nguyễn Văn Trường (tổ trưởng tổ xã hội 2), Nguyễn Đình Bang (tổ phó tổ giáo vụ), Nguyễn Hồng Long (tổ trưởng tổ giáo vụ) và các bà: Nguyễn Thị Hạnh (chủ tịch công đoàn), Nguyễn Thị Hoa (phó hiệu trưởng), Đào Việt Bình, Đỗ Thu Thảo.

 

Ưu điểm của ứng viên Đỗ Việt Khoa được 3 cá nhân nêu ra, rất ngắn gọn: Có ý thức tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại, sử dụng giáo án điện tử; chịu khó học hỏi chuyên môn; nghiêm túc trong vấn đề thi cử.

 

Tuy nhiên, những tồn tại, khuyết điểm của ông Khoa lại rất dài, chủ yếu tập trung vào ý thức tổ chức kỷ luật: lên lớp muộn 3 tiết học, bỏ giờ 3 tiết học; vắng mặt và đến muộn trong sinh hoạt tập thể, họp hội đồng. Về vấn đề chuyên môn, ông Khoa cũng có sai phạm: đã ra đề kiểm tra học kỳ I (năm 2006-2007) sai câu số 16, môn địa lý 10 sách giáo khoa cơ bản.

 

Từ đó, cả 7 người phát biểu đều nhận xét, ông Khoa không đủ tư cách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII.

 

Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo thay mặt cơ quan ra ý kiến cuối cùng: Phẩm chất năng lực của ứng viên Đỗ Việt Khoa chưa đạt yêu cầu; có những biểu hiện chia rẽ đoàn kết hội đồng sư phạm, nói xấu đồng nghiệp; năng lực chưa tốt, ra đề thi sai; gia đình kinh doanh internet chưa phù hợp; các hành động của ông Khoa đi ngược lại đường lối lãnh đạo của nhà trường; không tín nhiệm thầy Đỗ Việt Khoa.

 

Vậy là trong hội nghị hôm ấy, ngoài một mình thầy Khoa tự ủng hộ mình còn tất cả các đồng nghiệp khác đều biểu quyết theo thầy hiệu trưởng.

 

Thầy giải thích sao về những khuyết điểm mà hội nghị nêu ra?

 

Đúng là tôi ra sai đề thi môn Địa lý, nhưng chính tôi chứ không phải ai khác phát hiện ra cái sai đó và đã lên lớp sửa ngay. Về việc bỏ giờ là do tôi nhậu tại phòng khách hiệu trưởng; hôm đó cả hiệu trưởng và gần 20 người cùng uống bia ngoài giờ hành chính, mãi đến hơn 10h đêm mới tan. Tôi bị say, nên sáng hôm sau ngủ quên mất 2 tiết đầu, đến trường mới biết có thầy khác cũng say quá đi về còn bị gẫy tay. Dù sao đây cũng là khuyết điểm.

 

Nếu lần này bị “đánh trượt”, lần sau thầy còn muốn ứng cử nữa không?

 

Ngay khi nhận được kết quả trên, tôi cũng rất trăn trở. Nhiều lần tôi đã tự đặt câu hỏi, liệu những việc mình làm là sai, và sai như thế nào? Sau cùng, tôi cũng tìm ra được câu trả lời. Tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì để bảo vệ lẽ phải, công bằng. Tôi sẽ tiếp tục có những tiếng nói trung thực để góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho sự trong sạch của ngành giáo dục nước nhà.

 

Thái Sơn - Phúc Hưng