1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tiền thưởng Tết không mua nổi một ký thịt bò!”

(Dân trí) - “Nhắc đến chuyện thưởng tết làm chi với những giáo viên như bọn chị hả em. Gần chục năm nay rồi, đến hẹn lại lên, bọn chị cứ nhận đều 50 ngàn đồng” - một cô giáo Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh) nói với giọng buồn bã.

Nỗi buồn nín lặng
 
Nhóm cô giáo khác thẳng thắn bày tỏ, người giáo viên cũng lao động như các ngành nghề khác, có phần còn vất vả hơn, ngoài 8 tiếng đồng hồ giảng dạy trên lớp thì đêm về phải miệt mài soạn giáo án, chấm điểm chăm lo cho học sinh... "Vậy mà tiền thưởng cứ trốn tránh chúng tôi. Nhiều năm liền nhận tiền thưởng tết mà chảy nước mắt. Ai không buồn khi tiền thưởng tết chúng tôi mua không nổi một ký thịt bò!".
 
Ngay ở ngôi trường THCS Thạch Linh nằm ngay trong TP Hà Tĩnh, câu chuyện thưởng tết cũng nhiều day dứt: "công đoàn 50 nghìn và nhà trường 100 nghìn đồng gọi là quà tết động viên tinh thần là cho anh chị em giáo viên", thầy hiệu trưởng Phan Văn Hồng cho hay. Thầy Hồng cho biết, ngoài đồng lương cơ bản nhà trường không có nguồn thu nên việc thưởng tết cho giáo viên rất ít. Các thầy cô cũng biết điều đó nên không than phiền.
 
Trò chuyện với nhiều giáo viên, được biết lâu lắm rồi không mấy ai mặn mà với chuyện thưởng tết, nhưng cũng không ai có ý định kêu ca, phản ánh lên cấp trên, bởi họ biết kêu mãi cũng thế mà thôi. Cô Nguyễn Thị Tâm - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Đài chia sẻ: “Năm ngoái mỗi cán bộ giáo viên được thưởng 50 nghìn đồng, năm nay nhà trường điều chỉnh, có tăng, nhưng cũng chỉ được 100 nghìn đồng đổ lại. Tôi nghĩ họ hiểu được hoàn cảnh của trường nên không tiện nói ra”.
 
“Tiền thưởng Tết không mua nổi một ký thịt bò!” - 1

Vất vả quanh năm, tiền thưởng cho những giáo viên cần mẫn dạy học vẫn không đáng là bao. (Ảnh: Trí Thức)

“Cứ đà ni phải chuyển nghề thôi”

Từ huyện miền núi Hương Khê, giọng thầy giáo Trần Văn Thành, trường THCS thị trấn Hương Khê, một người thân quen, mở đầu qua điện thoại bằng câu nói ngắn: “Thưởng có trăm bạc thôi ông à, mà trăm bạc thì ông biết rồi, chỉ may đủ cái card điện thoại”.

Vợ chồng Thành đều là giáo viên, đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi con nhỏ, bố già. Tết như khoét sâu vào nỗi chật vật, khó khăn của hai vợ chồng. “Mình thì còn đỡ ông ạ, còn vợ thì lo đến gầy đi. Tết chỉ còn đếm từng ngày, đủ thứ để mua sắm, còn về ngoại nữa mà trong túi vẫn chưa có chi”. Trong nỗi buồn về thu nhập, thầy Thành nửa thật nửa đùa: “cứ đà ni, chắc sang năm chỉ để mình mẹ nó đi dạy, còn tui chuyển nghề thôi ông ạ. Xem ti vi, đọc báo thấy người ta thưởng tết mà thèm”.

Với cô giáo Hồng, hiện đang dạy học tại một trường THCS ở huyện Kỳ Anh, món tiền thưởng tết cũng ngán ngẩm không kém. Cô Hồng vốn dạy xa nhà hàng chục cây số, chỉ tính riêng tiền xăng xe mỗi tháng cũng ngốn hết 1/3 tiền lương. Cuối năm, cô cũng như đồng nghiệp nhận được thông báo của lãnh đạo trường, mỗi người được thưởng 100 ngàn đồng. “Hôm nhận được thông báo của nhà trường, cá nhân em buồn lắm chứ. Nói rất thật nha, mình đi về hai lượt cũng hết chừng ấy tiền rồi nói chi chuyện mang tiền thưởng về nhà”.

Đem những băn khoăn trên phản ánh với Nhà giáo nhân dân Nguyễn Khắc Hào - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, thầy Hào cũng buồn không kém: “Là người trong ngành, tôi hiểu nỗi vất vả của đội ngũ giáo viên. Chính họ mới là một trong những nhân tố quyết định đến thành công của chiến lược phát triển giáo dục. Chỉ có động viên không là chưa đủ, mà cần phải thực tế hơn. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi chưa thể làm gì hơn, ngành thì không có kinh phí, nhà trường lại không có nguồn thu. Điều mà chúng tôi đang khuyến khích đó là các trường làm tất cả những gì có thể để mỗi giáo viên đều có niềm vui trong dịp tết”.

Niềm vui nhỏ mà Giám đốc Nguyễn Khắc Hào thông tin với chúng tôi, ngay trong những ngày giáp tết này, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cử đoàn cán bộ về gặp mặt, tặng quà động viên cho họ. Nhưng, như thầy Hào cho biết, do thiếu kinh phí nên số trường và giáo viên nhận được sự động viên của ngành cũng không nhiều. “Chúng tôi chia làm 4 đoàn, về tặng quà cho mỗi ngôi trường khó khăn bậc nhất ở mỗi huyện. Số tiền mỗi suất khoảng 100 ngàn dù không lớn, nhưng hy vọng sẽ mang đến niềm khích lệ đối với giáo viên khi tết đã cận kề.
 
Có thể hiểu được nỗi buồn và sự thất vọng của giáo viên về chuyện thưởng tết. Bởi nói như một giáo viên có bề dày dạy học hơn chục năm, đời sống bây giờ cái gì cũng thay đổi, thậm chí thay đổi theo từng ngày, nhưng chỉ có giáo viên chúng tôi là không thay đổi, nhà nước cho sao hưởng vậy. Buồn mà phải im lặng!

 Văn Dũng - Đất Vũ