“Nếu cứ thi cử như hiện nay thì năm nào cũng có sự cố”

Với cách tổ chức và quan niệm thi cử như hiện nay chắc chắn năm nào cũng có sự cố, vấn đề chỉ là mức độ thế nào.

(ảnh)
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (ảnh) khẳng định điều này khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, chiều 8/6 về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT.

PV:Ông đánh giá như thế nào về hình thức tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Theo tôi giờ phải đánh giá nghiêm túc là việc tổ chức thi như vậy qua từng ấy năm thì hiệu quả ra làm sao, được gì và mất gì. Công sức bỏ ra và kết quả thu lại có tương xứng không

Quốc tế người ta thi một cách đơn giản, kiểm tra tích lũy một cách đơn giản và có thể đánh giá từng giai đoạn ngắn để công nhận kết quả. Ở ta thì thi nặng nề quá, đã đến lúc phải xem xét vấn đề này.

PV:Có ý kiến cho rằng không cần một kỳ thi quốc gia mà các trường có thể tổ chức, thậm chí các trường có thể cấp bằng?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Đấy là ý kiến mà tôi cho là cần cân nhắc, nghiên cứu. Nhiều nhà giáo dục cho rằng nên giao cho các trường tự đánh giá chất lượng, mỗi một trường có tiêu chí riêng gắn với thương hiệu của họ.

Ví dụ chất lượng trường A khác trường B, người ta công bố kết quả chất lượng này công khai để người dân biết gắn với thương hiệu của nhà trường. Khi đó, người ta có thể hiểu rằng điểm 10 của trường A có thể khác điểm 10 của trường khác.

Hướng để cho các trường tự đánh giá là gọn nhẹ, hiệu quả và đơn giản. Nhưng bỏ thi toàn bộ thì cũng khó, vì muốn vậy phải quản lý được chất lượng của từng năm. Nếu quản lý không tốt thì mà cứ lấy kết quả của các năm cộng lại để xét tốt nghiệp thì cũng chưa chắc ổn. Vì có thể người ta chạy điểm từng năm một, nếu vậy thì 100% các học kỳ đều giỏi chưa chắc đã nói lên thực chất.

Nếu để các trường tự làm và làm nghiêm thì còn hay hơn một kỳ thi quốc gia.
 
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)

PV:Nhiều nước trên thế giới cũng làm theo hướng này, thưa ông?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Ở các nước cũng có nhiều điểm khác, nhưng nói chung họ đều để cho cơ sở giáo dục tự đánh giá và họ công khai.

Ví dụ có một đơn vị kiểm định độc lập (không phải của tổ chức quản lý nhà nước), họ đánh giá và công khai kết quả kiểm định để người dân biết được chất lượng của các trường, hàng năm có xếp hạng.

Ta chưa có văn hóa chất lượng, tức chưa có hội đồng kiểm định thì các trường tự bảo đảm chất lượng cho mình. Hiện nay ta coi đảm bảo chất lượng quan trọng hơn kiểm định chất lượng.

Văn hóa của ta hiện nay chưa đạt được văn hóa kiểm định chất lượng mà mới nâng cao vai trò của đảm bảo chất lượng. Kiểm định và đảm bảo là hai cái khác nhau.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT cứ vài ba năm lại có một sự cố xảy ra. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Thực ra theo tôi với cách tổ chức và quan niệm thi cử như hiện nay, chắc chắn năm nào cũng có sự cố, vấn đề chỉ là mức độ thế nào thôi.

Cả nước dồn nén vào một kỳ thi, vừa thoát kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nay mai lại đến kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Đây đều là những kỳ thi áp lực, mà áp lực thì dứt khoát dễ xảy ra sự cố, có thể do chủ quan hay khách quan.

Bây giờ kỳ thi Đại học đỡ hơn, nhưng kỳ thi THPT còn nhiều sự cố. Việc đánh giá chất lượng thông qua điểm số, chắc chắn sẽ có tiêu cực.

PV: Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi trả lời về sự cố ở Bắc Giang có nói việc tung clip lên mạng có ảnh hưởng không tốt. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Tôi cũng đồng quan điểm với Bộ trưởng Vũ Văn Luận. Nếu cứ tung các clip lên mạng một cách tự phát như vậy thì dễ gây hoang mang.

Nhưng cũng có thể nói điểm mạnh của việc làm trên là cảnh báo cho xã hội biết có hiện tượng trên.  

PV:Nhưng có ý kiến cho rằng có tung lên mạng như vậy thì người ta mới thấy được bản chất?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Thực chất thì người ta biết hết nhưng cố tình giấu đi đó thôi. Có thể không đưa lên mạng mà chỉ cần thông báo cho cấp chính quyền, đơn vị chịu trách nhiệm là ở địa phương này có hiện tượng này, và chứng minh bằng clip là đủ rồi.

Tung clip lên mạng có mặt hạn chế của nó nhưng xuê xoa bỏ qua thì lại càng không được. Cá nhân tôi thì cho rằng, các em mà quay được cảnh như vậy nên có trách nhiệm báo cho chính quyền, bộ phận quản lý về bằng chứng mình có.

PV:Quan điểm của ông trong việc xử lý vi phạm trong sự việc ở Bắc Giang như thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Thạch: Theo tôi phải xử lý nghiêm, vì hiện tượng đó là bức xúc của xã hội chứ không phải của một tỉnh.

Còn đối với em học sinh quay clip, cũng cần có hình thức nhắc nhở để em ấy rút kinh nghiệm trong việc mang thiết bị vào phòng thi, không nên xử lý nặng nề đến mức xóa kết quả thi. Điều này cần cân nhắc.

PV:Xin cảm ơn ông!

Theo Ngọc Thành/VOV online