1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Học sinh bị bạn “bạo hành” trở lại trường

(Dân trí) - Sáng 30/3, gia đình đã đưa em Phạm M.V. tiếp tục đến lớp theo đề nghị của phòng giáo dục quận Tây Hồ và hiệu trưởng trường THCS Xuân La. Tuy vậy, bố mẹ em cho hay, gia đình vẫn chưa hết lo lắng.

Vẫn chưa hết lo

 

Ngày 30/3, em M.V. đã tiếp tục đi học và tham dự lễ chào cờ đầu tuần. Trong buổi chào cờ, hiệu trưởng nhà trường đã đọc quyết định xử lý sự việc liên quan đến việc em V. bị làm nhục. Tuy nhiên, cả 2 học sinh chịu cảnh cáo trước toàn trường không có mặt.

 

“Ngày hôm nay cháu đến trường không bị đánh nữa chú ạ. Cháu đã nhận được sự chia sẻ và trò chuyện của bạn lớp trưởng, còn các bạn khác thì họ cũng… biết hết rồi”, V. tâm sự sau ngày đầu trở lại lớp học.
 
Học sinh bị bạn “bạo hành” trở lại trường - 1

Đưa con đến trường, chị Hạnh không giấu nổi vẻ mặt lo lắng (Ảnh: Quốc Đô)

 

Cuối buổi chiều 30/3, V. tan học trong sự chờ đón của bố em trước cổng trường. Nhiều phụ huynh học sinh tại trường THCS Xuân La biết sự việc đã chia sẻ và động viên em. Chị N.T, phụ huynh một học sinh tại trường, cho biết: “Nếu tôi là mẹ của cháu thì đó quả thật là một thảm họa. Với việc đã xảy ra với cháu, tôi hoàn toàn chia sẻ và mong muốn nhà trường cùng tất cả các em học sinh, kể cả con tôi cùng hòa nhập và giúp đỡ cháu”.

 

Trong thời gian V. nghỉ học chờ nhà trường giải quyết vấn đề liên quan đến, bố em vẫn phải đưa em đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.

 

Chị Nguyễn Thúy Hạnh (mẹ V.) cho biết, “con tôi khác với các học sinh bình thường khác, cháu chỉ có một quả thận, cháu rất yếu. Các bác sĩ đã cảnh báo, việc duy trì cuộc sống lâu dài với con trai tôi rất mong manh, bởi cơ thể một đứa bé ở độ tuổi 13 mà bị mất một quả thận thì sẽ giảm tuổi thọ”. 

 

“Tôi thật sự vẫn thấy lo lắng cho cháu khi trở lại lớp học. Sợ các bạn sẽ không chơi với cháu nữa. Mong rằng sau sự việc đau lòng vừa qua, các bạn cùng lớp, cùng trường chia sẻ và thông cảm với con tôi”, anh Phạm Minh Tuấn (bố cháu V.) cho biết.

 

Cho đến nay, ngoài giờ đến trường, thời gian còn lại V. đều được mẹ sát sao chăm sóc, từ việc ăn uống, đi lại, đến vệ sinh cá nhân. “Con tôi hơi có vấn đề về cái tai bên trái, tai cháu có tật ngay từ lúc sinh ra. Chính cái tai của cháu là nguyên nhân khiến mọi người gọi cháu là học sinh khuyết tật”, chị Hạnh khẳng định khi trao đổi với PV Dân trí.

 

“Về em V., chúng tôi cũng không biết được em có bị khuyết tật hay không, để xác định vấn đề này thì phải có các cơ quan chức năng xác định. Khuyết tật hay không thì chúng tôi vẫn quan tâm em, vì học sinh này yếu và chỉ có một quả thận”, bà Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

 

Giải quyết vấn đề: họp liên tục

 

Ngày 28/3/2009, phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã tổ chức cuộc họp gồm: Đại diện Công an quận Tây Hồ, đại diện Công an phường Xuân La, Trưởng ban phụ huynh học sinh trường THCS Xuân La, Ban giám hiệu trường THCS Xuân La, giáo viên chủ nhiệm lớp 7B trường THCS Xuân La, các gia đình cháu V., cháu Hoàng Anh Hùng (học sinh tham gia trêu chọc cháu V.) cùng lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác thanh tra của phòng GD&ĐT Tây Hồ để làm rõ sự việc.

 

Nhà trường đã trình bày lại sự việc như sau, cháu V. là một học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ, rất hiếu động và thiếu ý thức về các hành vi của mình. Bố mẹ cháu cũng có khó khăn về sức khoẻ nên đã nhờ cô Nguyễn Xuân Chung, Uỷ viên BCH công đoàn, thủ quỹ nhà trường, bác ruột cháu, là người giám hộ bảo lãnh cháu. Từ tháng 1/2009 cô Chung đã chuyển công tác sang cơ quan khác.

 

Việc học sinh V. bị làm nhục bởi nhóm bạn cùng lớp như đánh, trêu chọc thái quá, tụt quần... xảy ra từ 22/10/2008. BGH nhà trường đã phân tích làm rõ sự việc, mức độ sai phạm của các em. Gia đình các em đã đến xin lỗi gia đình em V. Căn cứ mức độ vi phạm lần đầu, gia đình em V. và người giám hộ là cô Chung đã đứng ra xin cho các cháu được tiếp tục học tập.

 

Cuộc họp ngày 28/3 đã đi đến kết luận cuối cùng là thống nhất cảnh cáo, hạ hạnh kiểm loại yếu đối với hai học sinh hành hạ bạn trước toàn trường, ghi học bạ cuối năm.

 

Riêng học sinh Hùng, nhà trường đã quyết định buộc cháu phải chuyển sang lớp khác để học. Còn học sinh Thái Mạnh Cường, phụ huynh học sinh đã xin chuyển trường về quê học, nhưng cho đến ngày 30/3 chưa thấy phụ huynh và học sinh quay trở lại trường để làm thủ tục - bà Nguyễn Thị Hòa khẳng định với PV Dân trí.

 

Tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ kết luận: Ban giám hiệu nhà trường đã có sự quan tâm động viên tới cháu V. nhưng một số vụ việc chưa giải quyết triệt để nên mới để xảy ra tái phạm... Phòng GD&ĐT Tây Hồ đã yêu cầu Ban giám hiệu trường THCS Xuân La, cô giáo chủ nhiệm lớp 7B phải rút kinh nghiệm, có cách làm việc khoa học và hiệu quả hơn trong công tác giáo dục học sinh, có biện pháp hợp lý trong giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập.

 

Trước đó, vào lúc 16h ngày 27/3, tại trường THCS Xuân La đã diễn ra cuộc họp cuộc họp khẩn cấp kéo dài hơn 4h đồng hồ với sự tham gia của Ban giám hiệu nhà trường và các phụ huynh học sinh liên quan. Công văn giải quyết của cuộc họp này đã được nhà trường gửi lên phòng GD&ĐT quận Tây Hồ.

 

Tối ngày 29/3, Đoàn làm việc gồm lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã cùng nhà trường đến thăm gia đình học sinh V. và mong muốn cháu tiếp tục đến trường học tập. Nhà trường cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cháu V. được an toàn, được hoà nhập với bạn bè.

 

Quốc Đô