Gương mặt Thủ khoa tốt nghiệp 2007

Đạt điểm tốt nghiệp cao nhất của TP Hà Nội, TP Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi gương mặt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 này còn một niềm tự hào nữa: họ là những thủ khoa của một kỳ thi mà tỉ lệ đậu không còn phổ biến những con số cao chót vót.

>> Một thí sinh đạt 5 điểm 10 thi tốt nghiệp

Cậu thủ khoa được 9 điểm môn văn

Tổng kết năm học với kết quả điểm trung bình 9,1, Lê Nhất Duy, chuyên toán THPT Lý Tự Trọng (thành phố Cần Thơ) bước vào kỳ thi tốt nghiệp với tâm trạng “hơi lo lo vì nghe nói năm nay đề thi khó hơn mọi năm”.

Khi kết quả được công bố, Duy trở thành thí sinh có kết quả cao nhất Cần Thơ với 58,5 điểm, trong đó có bốn điểm10; 9,5 môn lịch sử và 9 điểm văn. Duy cho biết: "Em cũng khá bất ngờ, nhất là môn văn. Em đoán mình được 7,5 đến 8 điểm nhưng không ngờ lại cao như thế”.

Tuy có thế mạnh và rất thích các môn tự nhiên nhưng các môn xã hội, Duy cũng học khá tốt. Điểm tổng kết năm môn văn đạt 8,3. Duy chia sẻ: “Ngoài nhớ chính xác ngày tháng, sự kiện, những cái khác chỉ cần nắm ý, đọc thêm sách sau đó triển khai ra. Học thuộc lòng sẽ rất mất thời gian mà lại mau quên. Khi vào phòng thi, câu nào dễ thì làm ngay, câu nào phân vân quay lại sau. Nếu làm câu khó trước sẽ mất thời gian và căng thẳng”.

Sáng học tại trường, chiều tự học tại nhà và buổi tối tới nhà thày giáo luyện thi đại học. Đó là lịch học trong suốt năm cuối cấp của Duy. Duy cho biết, tuy có đi học thêm nhưng tự học vẫn là chính và phải biết phân bổ thời gian hợp lý, dành thời gian nghỉ ngơi để đầu óc thanh thản.

Ngay sau khi thi tốt nghiệp, lịch luyện thi của Duy vẫn không thay đổi. Duy đang dùi mài bốn môn toán, lý, hóa và sinh để dự thi vào ĐH Ngân hàng TPHCM và ĐH Cần Thơ. Duy cho biết, việc trước mắt là “phải khao tụi bạn, sáng giờ tụi nó cứ gọi điện và bắt em khao đậu thủ khoa!”.

Nữ thủ khoa thành Huế

Gương mặt Thủ khoa tốt nghiệp 2007  - 1

Lê Phan Ái Nhân (giữa) đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi cấp tỉnh.

 Với 58 điểm, nữ sinh Lê Phan Ái Nhân đã trở thành thủ khoa của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không chỉ có thành tích suốt 12 năm, Nhân còn nhiều lần đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi ngoại ngữ cấp tỉnh.

Ái Nhân đã đoạt giải ba học sinh giỏi thành phố Huế và giải khuyến khích hùng biện tiếng Pháp khi là học sinh tiểu học. Năm lớp 8, em đoạt giải ba hùng biện tiếng Pháp toàn tỉnh, lớp 9 đoạt giải nhì hùng biện tiếng Pháp và đỗ vào lớp chuyên hóa của trường THPT chất lượng cao Quốc Học Huế.

Năm lớp 11, Nhân đoạt giải ba môn tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, và đến kỳ thi tương tự lớp 12 Nhân lại đoạt giải ba môn tiếng Anh...

Dù rất có năng khiếu với ngoại ngữ nhưng Ái Nhân lại chọn lớp chuyên hóa. Em cho biết, bố là một giáo viên dạy chuyên hóa, đã mất khi em chỉ mới bốn tháng trong bụng mẹ, đó là lý do Nhân chọn học hóa.

Nhân chọn thi ngành tài chính ngân hàng, ĐH Ngân hàng TPHCM với hy vọng vừa phát triển các môn tự nhiên, vừa có thể ứng dụng thế mạnh ngoại ngữ yêu thích. Cô học trò chỉ có nguyện vọng là một nhân viên hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng.

Nhân tâm sự: “Áp lực lớn hơn niềm vui vì nhiều người... để ý. Lo vì nếu sơ sẩy, kết quả thi đại học không như ý muốn người ta cho “cái thủ khoa” kia chỉ do “gặm” bài. Đậu thủ khoa đâu chỉ tự hào mà phải cố gắng hơn nữa”.

Chàng thủ khoa mê tít trái bóng

Gương mặt Thủ khoa tốt nghiệp 2007  - 2

Lê Minh Đức (trái).

Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT Hà Nội 2007 (57 điểm) Lê Minh Đức (lớp 12C1 Trường THPT Phan Đình Phùng) rất ấn tượng: 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện; ba năm THPT liên tục là học sinh có kết quả học tập cao nhất khối với điểm tổng kết trung bình trên 9,0; giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn; học bổng Vallet của giáo sư Odon Vallet và Quĩ Gặp gỡ Việt Nam; giải nhì, rồi giải nhất thành phố môn vật lý...

“Với mình, thời gian học thêm nhiều nhất chỉ là hai tiếng/ngày. Nếu chỉ cắm cúi vào việc đi học thêm, nghe giảng, rồi chép bài, mình nghĩ kiến thức đọng lại sẽ không nhiều” - Lê Minh Đức chia sẻ. Mỗi ngày tối đa chỉ dành ra hai tiếng cho học thêm, thời gian còn lại, chàng trai cao 1,72m dành cho... bóng rổ. Đức bảo thi ĐH xong em sẽ còn nhiều thời gian hơn nữa để dành cho cả bóng rổ và bóng đá.

“Môn vật lý đòi hỏi nhiều thí nghiệm, nhưng do điều kiện thiết bị hạn chế của nhà trường nên bọn em không mấy khi được thực hành”. Trong sách giáo khoa cũng có nhiều thí nghiệm, nhưng tất cả chỉ được mô phỏng bằng hình vẽ, rất khó hình dung. Cậu học sinh lớp 12C1 đã tự mình mày mò trên Internet, hỏi các bạn của mình đang học ở nước ngoài để biết thêm về những phần mềm học tập hữu ích. Quan sát trực tiếp thí nghiệm đang được thực hiện như thật qua phần mềm giúp Đức hình dung về kiến thức của mình rõ ràng, cụ thể hơn.

“Em thích sự rõ ràng. Học khối A nhưng em thích đọc truyện ngắn của Nam Cao lắm. Cách miêu tả con người của Nam Cao cho em hình dung về nhân vật y như thật. Cũng rõ ràng như các thí nghiệm vậy” - Đức nói.

Theo Minh Giảng, Ngọc Hà, Thái Lộc
 Tuổi Trẻ