Góp ý dự thảo chương trình GDPT: Cần xem xét để giảm số giờ học/tuần

(Dân trí) - Góp ý về Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay số giờ học chiếm hết thời lượng của 1 tuần, không còn thời gian dành cho sinh hoạt trường, lớp, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên. Nên chăng xem xét để giảm số giờ/tuần.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.


Dự thảo nên đề xuất cụ thể thực hiện thời lượng 2 buổi/ngày; giảm số lượng học sinh/lớp; thêm giáo viên tư vấn học đường

Dự thảo nên đề xuất cụ thể thực hiện thời lượng 2 buổi/ngày; giảm số lượng học sinh/lớp; thêm giáo viên tư vấn học đường

Ông Nguyễn Anh Dũng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Cần xem xét tính khả thi của dự thảo trong 10 năm tới

Ông Dũng nhận định: "Điểm mới nhất của chương trình dự thảo lần này là xây dựng theo hướng mở".

Mặc dù nhận xét là dự thảo đã đề cập tới quan điểm kế thừa và phát triển ưu điểm của các chương trình đã có của Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm của nền giáo dục tiên tiến thế giới. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nên chăng thêm tính khả thi vì chương trình phù hợp với điều kiện giáo dục nước ta trong khoảng 10 năm tới.

Theo ông Dũng, quan điểm này rất cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để chương trình các môn học quán triệt. "Thực tế, cho thấy một số ý tưởng tốt song không thực sự khả thi thì hiệu quả rất thấp nếu không nói là thất bại" - ông Dũng nhấn mạnh.

Trong dự thảo, hệ thống giáo dục và sự phân bổ các môn học đã quán triệt quan điểm xây dựng chương trình đặc biệt có những điểm mới, tiến bộ như: Chương trình được phân rõ thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp; tích hợp và phân hóa; phân loại các môn học, bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn, tự chọn bắt buộc; chú trọng hoạt động giáo dục.

Nhưng theo ông Dũng, trong tương lai gần, cấp THCS và THPT đa số chỉ học 1 buổi/ngày. Trong khi đó số tiết là 20 - 30 tiết/tuần, như vậy, e rằng, số giờ chiếm hết thời lượng của 1 tuần, không còn thời gian dành cho sinh hoạt trường, lớp, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên. Nên chăng xem xét để giảm số giờ/tuần.

"THCS và THPT đều hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, ở THCS có môn công nghệ và hướng nghiệp nhưng ở THPT không thấy nội dung hướng nghiệp. Mặc dù hướng nghiệp không chỉ thực hiện qua 1 môn học mà thông qua các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các hoạt động khác; cũng như có sự tham gia của các lực lượng giáo dục" - ông Dũng góp ý.

Về điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, ông Dũng cho rằng, dự thảo nên đề xuất cụ thể thực hiện thời lượng 2 buổi/ngày; giảm số lượng học sinh/lớp; thêm giáo viên tư vấn học đường (trong đó có tư vấn hướng nghiệp).

Ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục, tỉnh Tiền Giang: Cần dạy học sinh đọc và nói đúng tiếng Việt

Ông Phạm Văn Khanh cho rằng, dự thảo nên xác lập, làm rõ năng lực Đọc, Nói đúng tiếng Việt của học sinh trong chương trình tổng thể bởi trong dự thảo chưa nhấn mạnh, làm rõ việc nói, đọc đúng tiếng Việt của học sinh trong năng lực sử dụng tiếng Việt.

Việc đọc đúng, nói đúng có thể sẽ bị bỏ qua trong biên soạn chương trình chi tiết môn học tiếng Việt của các cấp học và lớp học khi cụ thể hóa. Đọc và nói đúng tiếng Việt là kỹ năng căn bản của môn tiếng Việt nhất là trong tình hình đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 của TƯ hiện nay.

Ngành giáo dục phải dạy học sinh nói đúng, viết đúng tiếng mẹ đẻ, giáo dục học sinh yêu tiếng nói của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

Ông Khanh cũng kiến nghị nên đưa thêm các học phần tự chọn cho học sinh lớp 11 và lớp 12 là học phần "Giá trị học" và "Nhân cách học".

PGS.TS Vũ Dương Thụy, Hội giảng dạy toán học phổ thông: Chú trọng phát triển văn hóa công dân!

Ông Thụy nhận định, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã thể hiện rất rõ về yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hình thức định tính và định lượng, thường xuyên và định kỳ...

Riêng môn toán, chương trình mới xác định rõ lĩnh vực "giáo dục toán học", điều đó phù hợp với đặc thù của môn Toán ở trường phổ thông, ở trên thực tiễn cũng như với xu thế chung của quốc tế, như giáo dục phổ thông của các nước khối EU có đề cập đến "năng lực toán học và các khoa học cơ bản" của Liên bang Úc có "năng lực sử dụng tư duy toán học và kỹ thuật"...

Theo ông Thụy, điểm nổi bật trong chương trình lần này là ranh giới phân biệt rạch ròi của mỗi bộ môn đã mờ dần nhường chỗ thỏa đáng hợp lý cho việc tích hợp các môn học theo xu thế hiện nay.

Ông Thụy cho rằng, cần nêu rõ học sinh trở thành công dân có văn hóa và trách nhiệm, người lao động có tay nghề, cần cù, sáng tạo... bởi chất văn hóa của công dân hiện nay đang có xu hướng xuống cấp, văn hóa chưa được phát triển tương xứng và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế dẫn đến xảy ra xung đột giữa văn hóa và kinh tế.

Cho nên trong thời gian dài chúng ta rất cần chú trọng định hình, phát triển chất văn hóa cho các công dân từ tí hon trở lên chứ không phải đợi đến thành người lao động.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng chương trình chỉ là bản thiết kế. Để hiện thực hóa chương trình, cần quan tâm đến việc biên soạn và lựa chọn SGK, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng gíáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất trường học, đổi mới phương pháp giáo dục, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Có những việc là của ngành Giáo dục, nhưng có những việc cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, người dân và chính quyền các cấp. Tôi chỉ nêu ba ví dụ: Nếu không đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thì giáo viên và học sinh sẽ không thay đổi cách dạy, cách học.

Nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời thì giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành. Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn “nhồi nhét” tới 50 – 60 học sinh thì giáo viên khó có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục được.

Người dân cần quan tâm đến những vấn đề này và đòi hỏi chính quyền địa phương bảo đảm cho con em người dân được học trong điều kiện không kém hơn các địa phương khác.

Nhật Hồng

Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến. Các ý kiến xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!