1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Em tố cáo thầy Đông vì không còn lối thoát”

“Không bao giờ em muốn nổi tiếng như vậy, việc làm này hoàn toàn bất đắc dĩ khi em không còn lối thoát. Ngay từ khi mới vào trường, thầy Đông không muốn em gọi bằng thầy mà là anh. Thầy còn nói, tôi cần tình chứ không cần tiền”, Vũ Thị Vân Anh, nữ sinh trong vụ <a href="http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2006/7/132021.vip">gạ đổi “tình” lấy điểm</a>, trao đổi với phóng viên.

Cảm giác của em lúc này, khi đã có bằng tốt nghiệp?

Thực ra cũng không vui lắm vì kết quả tốt nghiệp chỉ đạt trung bình, không đúng với học lực của em. Song, em vẫn tự an ủi rằng đã giúp các bạn khóa sau, giúp nhà trường nhận ra sự việc trước đây nhiều bạn đã là nạn nhân nhưng cố giấu.

Từ chuyện của em, có thể mọi người sẽ mạnh dạn hơn, phát hiện ra những tiêu cực đã tồn tại từ rất lâu. Rất tiếc, một số thầy cô nói rằng em đã làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, làm phiền phức cho tập thể giáo viên. Thật tình trong chuyện này em đâu có sai! Nếu phải đem nhân phẩm ra đánh đổi lấy bằng tốt nghiệp thì em không thể chấp nhận.

Chuyện đặt máy ghi âm không phải ai cũng dám làm. Trước khi làm việc "động trời" đó, em nghĩ gì?

Suy nghĩ ấy đến bất chợt dù mong muốn phanh phui sự việc có từ rất lâu rồi. Lúc đầu em chỉ nghĩ máy ghi âm mà bỏ túi quần, thầy trông thấy sẽ không tiện. Thế là em bỏ máy vào túi xách và để túi trên bàn. Băng ghi âm lời nói của thầy sẽ là bằng chứng duy nhất để thầy không thể chối cãi.

Khi đến nhà nghỉ cùng thầy Đông, em rất sợ, nhưng em tự trấn an rằng xung quanh còn rất nhiều người tốt, chắc không ai bỏ mặc khi mình nhờ giúp.

Làm thế nào em có được chiếc máy ghi âm để làm sáng tỏ vụ việc?

Cũng hoàn toàn tình cờ. Nó là chiếc MP3 em vẫn dùng để nghe nhạc. Có lần em để trong túi quần, tình cờ ấn vào nút ghi âm, đã ghi lại toàn bộ câu chuyện của em với các bạn, em mới biết tác dụng của nó.

Khi cùng thầy vào nhà nghỉ, em có sợ không?

Chắc chẳng bao giờ em quên được cảm giác đang ngồi trên xe máy bỗng xe dừng lại. Hai chân cứ run lên, em còn bảo với thầy: "Hay là thầy nghĩ lại?" Nhưng thầy đâu có nghe em nói nữa. Đây là việc hoàn toàn bất ngờ, không nằm trong sự chuẩn bị. Em định sẽ ra ngã tư ngay ở nhà thầy rồi trốn luôn, nhưng thầy không cho và đành phải lên xe, vừa đi vừa nghĩ cách để thoát thân.

Vừa vào trong nhà nghỉ, thầy đã giục em mau chóng "chuẩn bị". Lúc này em thật sự hoảng sợ. Em hỏi để kéo dài thời gian: "Có lẽ thầy đến đây nhiều lần rồi nhỉ? Em ra ngoài để nghe điện thoại nhé". Thoáng nghi ngờ, thầy không cho em ra ngoài. Vẫn giữ bình tĩnh, em tìm lời thuyết phục.

Lúc đó em nói thật lớn tiếng, không phải để ghi âm mà để trấn an tinh thần mình, hy vọng có gì đó thay đổi. Rồi khi thấy thầy kéo tấm màn gió, em cảm giác như sắp bước vào trận chiến.

Em có chuẩn bị phương án để đối phó với các nguy cơ, đó là những phương án gì?  

Lúc đầu em định viết giấy gọi một chiếc xe ôm và nhờ lễ tân nhưng thấy cô bé cứ lớ ngớ chẳng hiểu gì cả. Sau đó, em định lấy cớ ra ngoài mua nước rồi chạy trốn. Nhưng vào phòng nghỉ, thấy tủ lạnh đầy nước em rất thất vọng.

Em lại nghĩ hay mình xuống kiếm cớ xin đá. Đúng lúc đó, đứa bạn thân điện thoại nhưng thầy không cho nghe. Phải đến khi nó điện thoại lần nữa, em mượn cớ ra ngoài để nghe rồi chạy thoát luôn. Thấy một thanh niên đang mua xăng gần đấy, em xin đi nhờ về ký túc xá. Một lát sau, thầy gọi điện thoại yêu cầu em "nếu bạn bè hỏi, chỉ nói đi uống cà phê với thầy thôi".

Phải chăng thầy Đông "có tình ý" với em từ rất lâu rồi?

Thầy đã nói với em rất nhiều lần về chuyện này rồi. Ngay từ khi mới vào trường, thầy đã tỏ ý "quan tâm" bằng cách không muốn em gọi bằng "thầy" mà là "anh". Thầy nói: "Tôi cần tình chứ không cần tiền". Có lần thầy còn rủ em đi rừng Cúc Phương. Em né tránh, không tiếp xúc với thầy.

Nhưng đến học kỳ 3 thì em phải thường xuyên gặp thầy để lấy bảng điểm của lớp (Vân Anh là lớp trưởng). Biết em không chịu, có lần thầy tuyên bố "sẽ cho trượt kỳ này". Hỏi vì sao, thầy khẳng định: "Do khuynh hướng của em không cao. Từ trước đến nay em đã làm mất lòng tin của thầy". "Phải làm gì để chứng minh khuynh hướng, thưa thầy?". Thầy nói luôn: "Ở lại với tôi tối nay".

Rồi vừa nói thầy vừa cầm ổ khóa định ra cửa khóa lại. "Nhưng thầy ơi, còn 2 đứa bạn đang chờ em ở ngoài nhà". Thế thì thôi, tối mai (24/7), thầy sẽ đưa em ra ngoài chứ không phải ở nhà". Và sau đó sự việc như em vừa kể.

Có ai đồng cảm, chia sẻ với em trong lúc tìm phương án đối phó?

Đó là 2 bạn ở cùng phòng trọ với em. Bọn em từng bàn nhau cách đối phó. Ngày 25/7, khi vừa thi tốt nghiệp xong, em đã nhận được lời nhắn hẹn gặp của thầy và chẳng thể chối được. Em liền rủ Tân đến nhà thầy nhưng hôm đó, nó bận bịu chuyên gì, chẳng chịu đợi em mà đưa đến cửa nhà thầy rồi về luôn.

Em có tâm sự với ai trong gia đình không?

Gia đình chẳng ai tin em. Ngay cả ba em còn bảo: "Tại sao con lại làm như vậy? Con còn phải ra ngoài đó để làm việc nữa chứ". Nhưng em làm em chịu và không muốn gia đình phải lo lắng. Ba mẹ đã vất vả cho em ăn học, giờ lại bắt ba mẹ lo lắng đến những chuyện này thì thật không đáng.

Ngay sau sự việc này xảy ra, thái độ của các thầy, cô giáo trong trường đối với em như thế nào?

Ngày 25, em bình tĩnh bao nhiêu thì đến ngày 26, em lại sợ bấy nhiêu và thức suốt đêm. Em thu dọn quần áo để trốn chạy. 4 giờ sáng, em đã có mặt ở đường quốc lộ và lên Hà Nội để nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ.

Trước đó, bạn bè cũng đã khuyên phải chuẩn bị tâm lý vì dự đoán sau khi em tố cáo, phía tin thầy Đông sẽ chiếm đa số. Em may mắn có tập thể lớp rất tốt, các bạn ủng hộ em. Vì vậy, em cũng bớt hoang mang và càng tin rằng mình làm như vậy là đúng.

Nhưng tại cuộc họp Ban Giám hiệu chiều 1/8, sau khi nghe em tường trình, cô hiệu phó nói: "Đáng lẽ em không nên làm như thế này vì ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, làm mất đi một người thầy. Bây giờ cô đã nổi tiếng rồi đấy". Cô còn bảo em có thủ đoạn không tốt. Thật ra trước đó em cũng đã trình bày với thầy phó khoa báo chí cùng ban giám hiệu nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Em đâu muốn để lại ấn tượng xấu nhưng sự việc ép buộc em phải làm vậy.

Có người trách nhưng cũng có người cảm phục nghị lực của em. Vì sao em lại chọn nghề báo?

Đúng là nhìn em ốm thế này chẳng ai bảo là mạnh mẽ cả. Nhưng em lại rất thích công việc phanh phui tiêu cực. Nhiều lúc em còn mơ trở thành công an hay một nhà báo để điều tra. Khi thực hiện cuốn băng ghi âm này, em cũng nghĩ đây là bước đầu về nghiệp vụ làm báo chính các thầy cô trong trường đã dạy.

Đây có phải là bản lĩnh của một lớp trưởng nổi tiếng là năng động, luôn dẫn đầu lớp trong các môn học về phóng sự, điều tra?

Cả khóa từng gọi em là "hiện tượng đặc biệt của khóa 8". Cứ đến giờ học môn đó, thấy cả lớp im re, em đã đứng lên phát biểu ý kiến vì nghĩ rằng mình là lớp trưởng, phải là đầu tàu cho cho các bạn. Thế mà chẳng hiểu sao chỉ có một mình em phải thi lại môn phóng sự do thầy Đông phụ trách.  

Thầy Đông đã phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Em có nghĩ rằng như thế là xứng đáng với hành động của thầy?

Việc kỷ luật ấy là do cơ quan chức năng và nhà trường quyết định. Khi nghe đứa bạn nói nhìn thấy thầy lủi thủi đi một mình về phòng, em cũng thấy tội cho thầy lắm. Thầy cũng đã nhiều tuổi rồi, mất việc là trắng tay. Nhưng lỗi của thầy không chỉ đối với em, trước đó có rất nhiều tai tiếng từ khóa 1 rồi.

Theo Pháp luật TPHCM